toàn tính mạng của bá tính trong thành. Sứ giả còn nói vua Gia Long bảo:
“Dù gì chúng ta cũng là người một nhà. Kẻ thù lớn nhất vẫn là người
phương Bắc và phương Tây. Do đó, cần phải làm hết sức bảo toàn lực
lượng cho giang sơn để chống lại ngoại xâm”. Anh tôi sai người vào tiếp
quản thành Phú Yên.
- Thế còn Hoàng thượng, các vị tướng quân và binh sĩ thế nào? Họ có bị
bắt nhốt lại không? – Trịnh Hoài Đức hỏi gấp.
- Không sao cả. Binh sĩ của các ngài mười vạn, vẫn còn lại hơn bảy vạn.
Anh tôi an trí cho họ ở ngoại thành. Họ không bị giam giữ nhưng chỉ bị
quản lý, không cho rời khỏi khu vực. Nói chung, so với người thường, họ
chỉ bị hạn chế việc đi lại mà thôi, cơm nước vẫn được lo chu toàn. Phần
vua Gia Long. Anh tôi cũng không giam giữ mà an trí tại phủ thành Phú
Yên, lấy lẽ cao nhất mà đối đãi. Đồng thời, em tôi là vua Cảnh Thịnh cũng
đang vào Phú Yên để hội đàm cùng vua Gia Long. Còn nữa, trong vòng
mấy ngày nữa, họ sẽ về đến Gia Định.
Ba vị đại nhân cảm thấy như trút đi được một gánh nặng. Họ thở phào
nhẹ nhõm. Ít ra, nhà vua cũng không bị xỉ nhục. Và hơn thế nữa, vua Tây
Sơn còn vào tận Phú Yên để hội đàm. Có lẽ nội dung cuộc hội đàm này sẽ
mang tính chất ôn hòa hơn. Hai vị vua hẳn là sẽ có một đối sách phù hợp để
thống nhất đất nước trong an bình và không có biến động gì lớn, có hại cho
giang sơn.
Cuối cùng thì cuộc nội chiến kéo dài mấy mươi năm cũng đã đến hồi
kết thúc với chiến thắng cuối cùng có lẽ thuộc về nhà Tây Sơn. Nói là có lẽ
là bởi vì còn đó một cuộc hội đàm ở cấp cao nhất của cả hai miền. Cuộc nói
chuyện của hai nhà vua sẽ mở ra một con đường xán lạn cho giang sơn hay
lại vùi dập tất cả trong thù hận và biển máu? Chưa ai biết trước được. Tất
cả còn phải chờ ngày mà họ về đến thành Gia Định.