Đoạn, ông quay sang tên thái giám đang đứng hầu ở bên, nói: “Mau
truyền Ngô Hùng Quang, Phó Văn Phương, Mã Văn Hào lên điện”.
Ba người được gọi tên lục tục bước lên chính điện trong những ánh mắt
tò mò của bá quan văn võ. Trong ba người, Phó Văn Phương vốn bị đánh
đòn, lại phải gấp rút trở về nước nên vẫn còn đau, bước chân tập tễnh. Lên
đến nơi, cả ba cùng quỳ xuống khấu đầu Hoàng đế. Gia Khánh nói:
- Ba vị khanh gia hãy bình thân. Phó khanh gia, khanh vẫn còn đau,
trẫm ban cho ngồi.
- Tạ chủ long ân – Phó Văn Phương lạy tạ.
Sau đó, Gia Khánh lại truyền cho Ngô Quang Hùng bẩm báo lại mọi
chuyện. Nghe lời, Ngô Quang Hùng kể lại rành mạch những gì mà đoàn sứ
bộ đã trải qua ở Việt Nam. Y lại còn không quên thêm mắm dặm muối,
khoa chân múa tay kể khổ. Hai viên phó sứ cũng hùa theo tố cáo. Bọn họ
dùng những từ ngữ nặng nề nhất, xấu xa nhất dành cho Việt Nam như “lũ
man di”, như “bọn vô học”, “lũ thổ phỉ”, hay như nói Toản là tên “cẩu tặc”,
“tiểu nhân đắc chí” … Chưa hết, Mã Văn Hào còn tố bọn họ trong lúc trên
đường trở về lại còn bị truy đuổi và bức hại trên biển mặc dù việc này chưa
hề xảy ra. Quả thật, nếu ngày đó có một giải thưởng dành cho những kịch sĩ
thiên tài thì ba người bọn họ xứng đáng giành được ba thứ hạng đầu.
Lời kể của ba “nhân chứng” quá sống động và “chân thật” đến nỗi ai
nấy trong triều đều tỏ ra căm phẫn. Mấy vị quan văn thì chỉ lắc đầu, mắt
nhắm chặt, luôn miệng nói “đồ không biết phép tắc, không hiểu lễ giáo”.
Trong khi đó, mấy vị võ tướng thì nắm chặt tay thành hình nắm đấm, mắt
long sòng sọc, luôn miệng nói “cái lũ vô học đáng chết”.
Sau khi ba người nọ diễn xong vở tuồng, Gia Khánh nói:
- Chư vị ái khanh! Các khanh nói thử trẫm phải làm thế nào đây?