thể hiện được cảm xúc vẫn dồi dào và sâu lắng. Và mặc dù hình tượng
trong thơ ông thường bay bổng, lãng mạn, nhưng trong những bài viết về
quê hương thì ông lại sử dụng rất nhiều chi tiết hiện thực gợi cảm. Ngoài
ra, đối với thiên nhiên, ông cũng hay nhân cách hóa, coi đó như những
người bạn tri kỷ tri âm...(tr.209)
Trích thêm một số nhận xét khác:
-GS. Dương Quảng Hàm:
Cao Bá Quát là một văn hào có nhiều ý tứ mới lạ, lời lẽ cao kỳ.
-GS. Thanh Lãng:
Tư tưởng độc lập của Cao Bá Quát khác cái chí nam nhi của Nguyễn Công
Trứ. Ông Trứ lập nghiệp là để giúp vua, để chu toàn nghĩa quân thần; còn
ông Quát mang cả cái mộng thay đổi thời cuộc và chuyển vần số mệnh...Về
mặt nghệ thuật, sở trường của ông là thể phú và thể ca trù. Hai thể này, với
ông đã vươn tới một trình độ nghệ thuật tuyệt vời. Có điều ông hay lạm
dụng chữ nho và điển tích, vì vậy có thua kém Nguyễn Công Trứ về thể loại
ca trù.
-Thi sĩ Xuân Diệu:
Cao Bá Quát trước mắt chúng ta, tượng trưng cho tài thơ và tinh thần phản
kháng. Còn triết lý của ông chính là bền bĩ phục vụ cho đời.
-Sách Văn học 11 và Ngữ văn 11 (nâng cao):
Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn. Thơ ông phong phú trong nội dung cảm
hứng: tình cảm thiết tha gắn bó với quê hương xứ sở, với người thân, sự
đồng cảm nhân ái với những con người lao khổ; niềm tự hào với quá khứ
lịch sử dân tộc và có thái độ phê phán mạnh mẽ đối với triều chính đương
thời.
Đặc biệt qua thơ văn, Cao Bá Quát còn bộc lộ một tâm hồn phóng khoáng
và một trí tuệ sáng suốt tiếp nhận những hương vị, những màu sắc mới lạ
khác với cái nhìn truyền thống.
Nhờ tất cả những điều ấy mà thơ văn ông mới mẻ, phóng khoáng, chú trọng
tình cảm riêng của con người, được người đương thời rất mến mộ. Xét về vị
trí lịch sử, ông là nhà thơ lớn sáng tác bằng chữ Hán kế sau Nguyễn Du
[4].