.
III. Diễn biến:
3.1 Chuẩn bị:
Phần thì phẫn chí, phần thì thương dân như vừa nêu sơ lược ở phần trên,
Cao Bá Quát bí mật liên hệ với những thổ mục người dân tộc ở Tây Bắc là
Vũ Kim Thanh, Đinh Công Mỹ, Bạch Công Chân... Rồi dựa vào lòng
người còn tưởng nhớ tới nhà Lê, ông suy tôn một người thuộc dòng dõi ấy
làm minh chủ đó là Lê Duy Cự, còn tự mình lãnh chức Quốc sư.
Để nêu rõ ý nghĩa của cuộc nổi dậy, ông cho thêu hai dòng chữ lớn trên lá
cờ, đó là:
Bình Dương, Đồ Bản vô Nghiêu Thuấn;
Mục Dã, Minh điều hữu Võ Thang.
Tạm dịch:
Ở Bình Dương và Đồ Bản không có những ông vua tốt như vua Nghiêu,
vua Thuấn;
Thì ở Mục Dã, Minh Điều phải có những người như Võ Vương, Thành
Thang nổi dậy.
Chẳng bao lâu sau, ông tập hợp được một lực lượng đông đảo, chủ yếu là
những nông dân nghèo khổ ở miền xuôi và trung du. Ngoài ra, còn có mặt
của giới trí thức, giới võ quan và lang đạo Mường, như: Tiến sĩ (năm 1838)
Đinh Nhật Thận (người Nghệ An, nguyên là Hàn lâm biên tu), Vũ Văn
Đống, Vũ Văn Úc (cả hai đều là người Hưng Yên, học trò của Cao Bá
Quát), Nguyễn Kim Thanh (hào mục), Đinh Công Mỹ (Lang đạo Mường),
Nguyễn Hữu Vân (Suất đội thủy vệ Hà Nội), Bạch Công Trân (Suất đội cơ
Sơn Dũng tỉnh Sơn Tây)...
Công cuộc còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, thì bị người tố giác. Vua Tự
Đức liền lệnh cho Tổng đốc Hà Ninh Lâm Duy Hiệp (GS. Vũ Khiêu ghi
Lâm Duy Thiết), Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Nguyễn Bá Nghi, hiệp cùng
Tổng đốc Bắc Ninh là Nguyễn Quốc Hoan đi truy bắt "đảng nghịch".
Để nhanh chóng đánh dẹp, nhà vua còn phái Vệ úy Hoàng thành Huế đem
ngay một vệ lính tuyển phong, 15 võ sinh cùng 20 súng thần cơ ra ngay Hà
Nội để hỗ trợ việc tiễu phạt.