quê cho u tôi một gói giấy, trong đó đựng những đồng hào, đồng bạc mới,
và kèm một bức thư kể sự làm ăn rất chí thú của tôi, và không lần nào tôi
quên xin u tôi cứ vui vẻ mà tin cậy vào tương lai của Bờm này.
Nửa năm sau, Hà Nội không thấy tôi rao báo, rao mũ trắng, giầy dôn
nữa. Tôi không đi đâu cả. Tôi vẫn ở Hà Nội như thường, nhưng tôi đã đổi
nghề, tôi đã xin được chân sắp chữ ở một toà báo lớn. Lương chẳng được
bao nhiêu, nhưng tôi rất vui sướng, vì đây mới là bước đẹp đẽ đưa tôi đến
tương lai đó. Ở xưởng in, dầu mỡ làm tôi nhem nhuốc, song tôi rất yêu quý
nghề này. Đã bao lâu nay, mỗi lần đến lĩnh báo, tôi đã thèm thuồng đứng
ngó nhìn người ta cần cù làm việc trước những ô chữ, và những tiếng máy
in chạy sầm sầm nhả ra những tờ báo rộng đày bài, đày tin tức, khiến lòng
tôi nao nức...
Tôi lại viết thư về cho mẹ tôi mừng. Một buổi chiều ở xưởng in về đến
nhà trọ, tôi bỗng bàng hoàng, mừng mừng, tủi tủi: mẹ tôi kia, mẹ tôi ở nhà
quê ra. Ôi! mẹ tôi béo hơn trước rồi. Mẹ tôi mặc tấm áo vải nâu dày mới
may, song tóc mẹ tôi đã bạc nhiều hơn xưa. Mái tóc bạc có lẽ vì những
ngày đợi chờ thương nhớ thằng con lưu lạc. Chân tay mẹ tôi đã đẫy ra, có
lẽ vì đã có những bát cơm nóng sốt, không phải nhịn nhường cho con ăn
như trước nữa.
Bữa cơm ấy, tôi mua thêm vài hào chả trâu, lòng lợn, đãi mẹ tôi. Bữa
cơm sang lắm đấy, nhưng cả hai mẹ con tôi chỉ nhìn nhau mừng quá mà ăn
chút ít cũng no rồi.
Tôi vừa buông đũa thì ở ngòai phố kèn “bú-dích” thổi vang trên một
chiếc ô tô qua cửa. Tôi vội ngó ra: đó là phường xiếc mới về. Nhìn thoáng
trên ô tô, nhận thấy vẫn là bọn người thổi kèn đánh trống của cái phường
tôi làm năm nọ.
Mừng quá, tôi có dịp đưa mẹ tôi đi xem nhữn cái kỳ lạ ở trên đời, và tôi
có dịp gặp lại những con người, con vật, bạn xưa cũ của tôi.