chuyến tàu thủy, và tôi đã... làm xiếc (tôi học lỏm được ấy mà!) làm xiếc
trên tàu, trên các bến xa lạ để kiếm tiền.
Khoe thế rồi, tôi cũng lại cần phải thân mật (các bạn cho phép Bờm đây
được gọi là các bạn, vì rồi đây biết đâu trong cuộc nổi chìm, Bờm sẽ chẳng
được kể với các bạn nhiều chuyện nữa). Vâng, vâng, tôi xin thân mật mà
khuyên các bạn rằng lúc nào ta cũng nên phấn đấu trong cuộc sống. Tôi đã
phấn đấu, và sẽ phấn đấu đến cùng để cho mẹ già tôi được hưởng những
ngày no ấm, như mẹ tôi ngày đêm mong ước.
Một năm trời lông bông trên các ngả sông, trên các bến tàu, tôi đã gửi
được khá tiền về cho u tôi, và tôi đã xin u tôi đừng đi gồng thuê gánh mướn
nữa. Do một sự tình cờ, tôi lại quay về Hà Nội. Chán cái đời sông bến, tôi
muốn sống giản dị, êm đềm để tạm nghỉ ngơi. Tức thì tôi đi bán báo. Tôi
chạy, tôi kêu vang Hà Nội. Thú lắm, mỗi ngày tôi chỉ làm việc có một hai
giờ trong buổi sáng, là đủ xu tiêu.
Xong giờ làm việc, tôi lại tụ họp mấy thằng đồng nghiệp đi chén thịt chó
ở phố Hàng Hòm. Giữa lúc chén thịt chó, tôi thường hay làm vè, làm thơ
(tôi nhắc lại đoạn vè trên kia). Lũ nhãi bạn tôi cổ võ, khuyến khích, vỗ tay,
và đập bàn làm như các tay hảo hớn trong truyện Tàu cổ vậy. Thú lắm,
nhưng lâu dần, rồi tôi tỉnh ngộ. Đồng tiền kiếm được, vì đua bọn nhãi mà
tôi tiêu hết cả. Khốn nạn, chắc u tôi mong chờ, đau khổ lắm. Có lẽ u tôi lại
phải đi gồng thuê gánh mướn như trước rồi chăng.
“Ta phải làm ăn đứng đắn, phải thương mẹ, phải cố nên người!” - Tự
khuyến khích thế rồi, tôi lìa bỏ lũ bạn bè hư hỏng. Tôi chia thì giờ làm việc:
buổi sáng bốn giờ ở Dạ lữ viện lên toà báo, lĩnh báo đi bán. Chín giờ hết
báo, tôi làm một nghề mới nữa là đi đánh giầy. Tôi mới sắm cái hòm gỗ
nhỏ, sơn xanh đàng hoàng. Cái hòm đựng hai hộp kem đen đỏ, hai chai
phấn, vài chiếc bàn chải, một bó giẻ; tay xách hòm, miệng rao quang quác:
“mũ trắng, giày dôn... giày dôn, mũ trắng!”. Hai nghề này giúp tôi kiếm
được một đồng bạc mỗi ngày. Cứ nửa tháng tôi lại tìm người làng gửi về