Từ tối hôm đó, tôi có cảm tình đặc biệt với phường xiếc. Tôi kính trọng,
thân mến hết những con người, con thú mà số kiếp đã đưa lại gần nhau,
sống với nhau những ngày giang hồ lưu lạc.
Cái thằng hề lùn, tôi càng gần gụi nó, càng thấy nó dễ thương. Nó chọc
cười thiên hạ đấy, nhưng tôi nhận thấy nhiều khi nó lủi ra chỗ vắng, ngồi
thừ rồi bưng mặt khóc.
Một hôm nó ốm, người nóng như than. Không ai nhìn đến nó. Tôi
thương nó lắm, đi lấy gừng, tóc, trứng, rượu đánh cảm cho nó. Có một xu,
tôi lại đi mua lá, nấu nước cho nó xông. Mồ hôi ra được, đỡ sốt, nó ôm lấy
tôi cười mấy tiếng. Tôi cúi nhìn mặt nó, thấy nước mắt chảy ròng ròng.
- Bờm ơi, ta có một người mẹ. Mẹ ta ở mãi trên một vùng mạn ngược, ta
nghe tin mẹ ta đang ốm...
Nó nức nở. Tôi chưa kịp an ủi nó thì người ta đã giục nó dậy sắm sửa ra
trò. Nó gượng ngồi lên, mặc bộ quần áo đỏ, bôi vẽ mặt. Tôi thấy tay chân
nó còn run lắm. Chuông rung, hai con ngựa chạy ra. Người con gái tết một
bông hoa to tướng trên mái tóc, phấn trát bự như quét vôi chạy ra nhảy tót
lên mình một con ngựa. Đến lượt thằng lùn. Nó vừa nhô ra sau tấm màn,
người ta đã vỗ tay chào đón. Nó quay lông lốc ở giữa một cái vòng như quả
bóng cho hai con ngựa nhảy qua. Tôi ở sau sân khấu lo lắng, chỉ sợ nó đang
cơn sốt quay lỡ một vòng thì vó ngựa giẫm không lòi ruột cũng bể đầu.
Con ngựa có cô gái đánh đàn đã vào buồng. Tới lượt thằng lùn phải cỡi con
kia. Nó bắc thang trèo lên yên. Con ngựa phi nhanh quanh chiếc vòng. Nó
chồm cồm, rún lên rún xuống, cười sằng sặc để phụ với tiếng cười của
người xem. Vút! một sợi dây thép đã móc sẵn vào lưng nó nhấc bổng nó
lên cao. Con ngựa chạy một mình. Nó bị treo lơ lửng, quay tít mấy vòng,
nó la làng nước. Khán giả vỗ tay ầm giời. Sợi dây hạ xuống, nó ngã cong
queo. Mọi lần thì nó đứng dậy ngay, nhào lộn ba cái rồi mới chạy vào
buồng trò. Nhưng lần này nó nằm thẳng cẳng. Người xem càng cười rộ, cho
là nó làm trò ra thế. Nhưng tôi biết, than ôi, tôi biết nó bị ngất đi. Lùn ôi,