Trong khi bao nhiêu con người sang trọng rất vất vả để chiếm được một
ghế ngồi xem người và vật làm trò, thế mà Bờm tôi câng câng bộ mặt bẩn
thỉu vác tấm biển vào ngay cửa chính, không có quý vị nào dám chen lấn
tôi, không có bàn tay nào dám chìa ra đón vé tôi, ô hô! Sung sướng quá,
danh giá quá! Tôi đã khổ cực cả ngày, thì giờ này tôi phải hưởng sự sung
sướng, tôi phải đi nghênh ngang, tôi phải báo thù... cái sự vất vả của tôi.
Bên chuồng hổ, tôi họp các thằng bạn vác biển của tôi lại rồi quây tròn
quanh một mâm cơm gạo đỏ và rau muống già. Đã bụng đói thì ăn ngon tất,
vừa ăn vừa chùi mặt.
Chính vào lúc này, bọn trai gái kia đang bôi son, trát phấn, kẻ mày vẽ râu
để sắp sửa ra làm trò.
“ Hết lượt ta, đến lượt họ, có riêng gì ai đâu?” - Tôi nghĩ được câu ấy, lấy
làm khoái lắm.
Đến giờ khai diễn. Cả một thế giới lạ kỳ của voi, hổ, vượn, của những
người mà ban ngày tôi đi mua cho họ từng củ khoai, bát cháo hoa, sang lắm
là bát phở. Thế mà dưới ánh đèn, trong những bài kèn “bú-dích” rất là du
dương, ầm ỹ, những con người đó, những con thú đó, làm những tiết mục
xiếc khiến tôi kinh ngạc, sợ hãi quá đi mất. Các quý vị ban nãy huých gạt
nhau như thù hằn để tranh mua vé, bây giờ ngồi sát vào nhau từng hàng rất
là có trật tự, rất là thân thiện, rất là đẹp đẽ để vỗ tay, để mời nhau hạt dưa,
thuốc lá, để bàn tán khen với nhau không ngớt.
Tôi trốn việc, nấp vào một xó mà xem, ngây ngất. Tôi đâm ra kính phục
các me-sừ thú vật ấy quá đỗi. Sừ voi, sừ hổ, sừ vượn, sừ bú dù... Tôi lấy
làm hối hận đã dám hỗn láo chọc que, đá trộm những bậc thiên tướng ấy.
Cả cái thằng lùn, chỉ bé gọn bằng ngón tay mà ăn rất tục, nói rất láo, ngủ
ngáy như chó xồm, ban ngày tôi ghét lắm, thế mà lúc này tôi lại sinh yêu
nó. Nó pha hề rất có duyên, cười chết được.