QUYỂN SÁCH BÍ MẬT VÀ CON KHỈ
T
ôi sinh ra ở một mạn cửa sông rộng mờ mịt, vào những ngày xấu trời mà
nhìn sang bên kia dù có căng mắt cũng chẳng thấy bến bờ. Thày tôi bảo bờ
bên kia đã là đất mấy huyện của Hải Phòng rồi. Cách nhà tôi không xa có
một khu rừng và một rặng núi đá. Dạo ở ta chưa có phà chạy sông, cái thị
trấn Quảng Yên heo hút buồn tênh này đã có một bến đò rồi. Quanh năm,
chỉ thấy lèo tèo dăm con đò buông chèo, neo bến; dù những khi không có
khách qua sông hay những buổi bến đông người thì vẫn chỉ ngần ấy con đò.
Khách quá giang quen gọi bến ấy là bến đò Rừng. Dọc theo con đường lát
đá gập ghềnh từ bến đò dẫn lên núi, nơi có những bức tường xây bằng đá
hộc mầu xanh xám và mấy cái lô cốt mốc đen, khách lạ chỉ nom thấy hai
bên đường lèo tèo vài mươi ngôi nhà, cả mái ngói lẫn mái gianh, dân cư
thưa thớt, lành hiền. Nhà tôi là một ngôi nhà cổ hai tầng nằm ngay sát chân
núi, trước kia vợ chồng người Tây đồn ở, rồi qua bao nhiêu gia đình khác,
nay đến gia đình tôi. Đứng trên bao lan gác, có thể trông bao quát cả một
dải cát vàng lượn nhấp nhô nơi triền sông. Đứng trong cửa sổ buồng thày
tôi, có thể nghe tiếng chim và tiếng ngàn thông lao xao trên sườn núi, ngắm
nhìn những lớp mây sớm chiều bao phủ trên ngọn núi đá cây cỏ mọc um
tùm.
Gia đình tôi thưa người, chỉ có năm mái đầu. Thày tôi làm thư ký kế toán
cho một sở mỏ than đá; sáng sớm đi làm tối mịt mới về, vì sở cách xa nhà
những năm cây số. Thày tôi quê phủ Thuận Thành, miền Kinh Bắc. Thày
quyến luyến quê nhà lắm, cứ mỗi lần thắp nhang cúng tổ tiên trên bàn thờ
xong, tôi thấy người lại vọng về hướng quê nhà mà lạy. Có lần tôi bắt gặp
thày từ dưới bến đò Rừng đi lên bờ sông dốc sau khi thăm quê cha đất tổ
trở về. Thày đứng lại hồi lâu nhìn sang bờ bên kia, như còn cố vọng về nẻo
cố hương Kinh Bắc xa vời vợi. Mẹ tôi là một người đàn bà xứ Huế, mới bắt
đầu làm quen đất Bắc, ít cười ít nói, lúc nào cũng như thẫn thờ tiếc nhớ một