Tôi cũng bắt đầu viết nhật ký. Thầy Trừ Tà cho tôi thêm một cuốn sổ
khác để viết, lại còn nói đi nói lại với tôi lắm lần rằng tôi cần phải ghi chép
lại quá khứ để học hỏi từ đấy. Nhưng mà tôi cũng chẳng viết nhật ký mỗi
ngày đâu. Nhiều khi tôi quá mệt và thi thoảng cổ tay tôi đau điếng vì phải hí
hoáy liên tục trong cuốn sổ kia khi đang cố gắng theo kịp những gì mà thầy
giảng.
Thế rồi, một sáng nọ, trong bữa điểm tâm, khi tôi đã theo Thầy Trừ Tà
được một tháng, thầy hỏi tôi, “Này anh bạn, tới giờ thì con thấy sao nào?”
Tôi băn khoăn không rõ đấy có phải là thầy đang hỏi về thức ăn của bữa
điểm tâm hay chăng. Có lẽ sẽ có thêm món thứ hai để bù cho món thịt muối
hôm ấy hơi bị cháy. Thế nên tôi chỉ nhún vai. Tôi không muốn làm phật ý
ông kẹ, chắc chắn lúc ấy đang dỏng tai nghe ngóng.
“Ừ, đây là một công việc khó nhọc, và ta sẽ chẳng trách gì con nếu giờ
con quyết định thôi không theo nữa,” thầy bảo. “Sau khi tháng đầu tiên đã
xong, ta luôn cho mỗi người học việc mới của ta cơ hội trở về nhà mà suy
nghĩ cho thấu đáo về việc họ có muốn tiếp tục công việc ấy hay không. Thế
con có muốn chuyện tương tự không?”
Tôi cố hết sức không tỏ ra quá hăm hở nhưng vẫn không thể giấu đi nụ
cười trên mặt mình. Có điều là, tôi càng cười, Thầy Trừ Tà trông càng đau
khổ. Tôi nhận thấy rằng thầy muốn tôi ở lại nhưng tôi thì chỉ nôn nóng
muốn được nghỉ phép mà thôi. Ý nghĩ rằng mình sẽ được gặp lại gia đình và
ăn lại những món mẹ nấu nghe có vẻ như một giấc mơ vậy.
Trong vòng một tiếng, tôi đã lên đường trở về nhà. “Con là một anh bạn
can trường và trí tuệ của con nhạy bén lắm,” thầy đứng ngay cổng và nói với
tôi. “Con đã vượt qua tháng thử việc rồi nên con có thể thưa với cha mình
rằng, nếu con muốn tiếp tục, ta sẽ đến thăm ông ấy vào mùa thu để lấy nốt
mười đồng vàng của ta. Con có bản chất của một tay tập sự rất cừ, nhưng
tùy vào con thôi đấy, anh bạn ạ. Nếu con không quay lại, vậy là ta sẽ biết
con đã quyết định thôi không theo nghề nữa. Bằng không thì ta mong con
quay lại đây sau một tuần lễ. Đến lúc ấy ta sẽ huấn luyện con thêm năm
năm, giúp con trở thành người thạo việc không kém gì ta.”