Đức tin của một số nhóm Do Thái giáo như nhóm Sadducee,
nhóm Karaite là chỉ dựa vào các bản văn của Kinh Torah, nhưng hầu
hết các tín hữu Do Thái giáo đều tin vào “Khẩu Luật”. Những
truyền thống này được truyền miệng trong phái Pharisees ở thời kỳ
cổ xưa của đạo, sau đó được ghi chép lại thành văn bản và được các
giáo sĩ Do Thái (rabbi) loan truyền rộng rãi. Các rabbi thường cắt
nghĩa một điều luật trong Kinh Torah (Torah Viết) song song với
một truyền thống được truyền miệng. Khi trong Kinh Torah có
những từ ngữ chưa được giảng giải, những nghi thức không có hướng
dẫn thì người Do Thái giả định rằng họ đã biết thông qua kiểu
truyền miệng. Cách giải thích song song này dần dần trở thành
khẩu luật. Kết quả là trong vài ba thế kỷ sau sự sụp đổ Đền thờ
Jerusalem, nhiều phần trong khẩu luật được các giáo sĩ Do Thái
giáo sưu tập và biên soạn lại thành một bộ sách rất quí giá khác gọi là
Talmud (sách Pháp điển). Đây là một văn bản trung tâm của các giáo
sĩ Do Thái giáo. Talmud gồm hai bộ: Mishna (sách Ôn Cố, còn gọi
là Mishnah) được soạn vào thế kỷ 2, và Gemara được soạn vào thế
kỷ 5. Mishna là bản tóm lược đầu tiên bằng văn bản của “Khẩu Luật”
hay “Torah Nói” (Oral Torah) của Do Thái giáo, bao gồm những chú
giải và những tranh luận được rabbi Judah Hanasi
sưu tập từ thời
Ezra, và trở thành cột mốc vĩ đại về kinh điển trong lịch sử Do Thái
giáo. Riêng bộ Gemara thì vượt trên cả những chú giải trong sách
Mishna và Kinh Torah, đề cập tới mọi lĩnh vực trong đời sống của
người Do Thái giáo trong những năm lưu lạc. Có hai phiên bản
Gemara: một Gemara được cộng đồng Do Thái giáo ở Palestine biên
soạn và một Gemara được biên soạn ở Babylon. Pháp điển Talmud là
kết quả khi gộp chung Gemara và Mishna. Bộ Talmud của Palestine
được hoàn thành vào năm 425. Còn bộ Talmud của Babylon hoàn
thành vào năm 500, có khối lượng gấp ba lần bộ Talmud của
Palestine và có ảnh hưởng rất lớn với cộng đồng người Do Thái giáo.
Toàn bộ Pháp điển Talmud bao gồm 63 bài luận, bao gồm những ý
kiến của hàng ngàn giáo sĩ Do Thái trong nhiều chủ đề, bao gồm