giới luật bảo vệ, họ chính là lực lượng cải cách mà lịch sử không thể
nào vượt qua.
5. Ý nghĩa về đạo đức
• Có một học giả Mỹ nói rằng con người là những sinh vật của xã hội.
Thiếu người khác, họ không đủ để trở thành con người. Tuy nhiên
nếu có sự hiện diện của người khác thì họ lại thường hành xử rất thô
thiển. Thực tế hai mặt này dẫn đến nhu cầu về đạo đức.
• Đúng ra thì không ai thích luật lệ bất kể là luật lệ gì, nhưng nếu
không có những ràng buộc về nguyên tắc thì xã hội con người sẽ
rối tinh rối mù và dễ dàng vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Với hiểu
biết đó, người Do Thái đã biên soạn rất nghiêm túc luật lệ của họ
nhằm qui định những ràng buộc tối cần thiết cho đời sống. Bốn
trong Mười Điều Răn đặt trọng tâm vào việc kiểm soát bốn khu vực
nguy hiểm nhất trong quan hệ con người, đó là không giết người,
không ngoại tình, không làm chứng gian hại người và không chiếm
đoạt tài sản người khác. So sánh với Phật giáo thì những giới luật này
tương tự với Ngũ giới của Phật giáo - không sát sinh, không trộm cắp,
không tà dâm, không nói dối, không dùng chất gây nghiện. Đó phải
chăng chính là sự tương đồng thiêng liêng giữa các tôn giáo khác
nhau: mặc dù có thể không giống nhau về triết lý thần học, song
các tôn giáo đều hướng con người đến một đời sống trong sạch,
đến cái đẹp thánh thiện của cuộc sống.
• Có thể nói tầm quan trọng của Mười Điều Răn trong phương diện
đạo đức của Kinh Thánh Hebrew không phải là nằm ở tính duy nhất
mà là nằm ở tính phổ quát của nó. Mười Điều Răn không nói đến
hình phạt của các giới luật, mà nhấn mạnh vào việc tuân thủ những
giới luật đó.