tưởng chỉ đạo và xuyên suốt của họ. Theo ý thức hệ này, cách sống
của người Do Thái và những động lực sáng tạo của họ đã tồn tại dưới
sự che chở và bảo trợ của một niềm tin bất tử rằng đây là thế giới
của Thiên Chúa và Thiên Chúa đã ủy thác một cách sống riêng biệt
cho họ.
Vậy những đặc trưng của Do Thái giáo là gì và những đặc trưng đó
đã ảnh hưởng đến văn hóa Do Thái như thế nào, ở mức độ nào?
Do Thái giáo khẳng định một lịch sử liên tục trải dài hơn 3.000
năm, khởi nguồn từ một tôn giáo có tổ chức ở Trung Đông trong
Thời đại đồ đồng. Nó bao hàm tư duy, triết học, văn hóa và cách
sống của người Do Thái, với đức tin duy nhất vào Thiên Chúa, và
với Kinh thánh Hebrew là văn bản nền tảng, được bổ sung sau này
bởi các văn bản truyền miệng như Talmud. Do Thái giáo được người
Do Thái tôn giáo xem là thể hiện của Giao ước mà Thiên Chúa xác lập
với người Do Thái thông qua Moses tại núi Sinai. Các giáo lý của Do
Thái giáo bao gồm niềm tin vào một Đấng Cứu Thế đang đến,
người sẽ đoàn kết dân tộc Do Thái và dẫn dắt họ trong Vương
quốc của Thiên Chúa trên trái đất và mang lại hòa bình cũng như
công lý cho toàn nhân loại.
Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, Do Thái giáo được xem là
một trong những tôn giáo độc thần lâu đời nhất. Các văn bản,
truyền thống và các giá trị của Do Thái giáo ảnh hưởng mạnh mẽ
đến các tôn giáo lớn trên thế giới sau này như Thiên Chúa giáo,
Hồi giáo và Baha’i Faith. Các tôn giáo lớn của phương Tây đều tìm
thấy cội nguồn của họ ở Do Thái giáo. Không những thế, nhiều
khía cạnh của Do Thái giáo cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh
hưởng đến ngay cả đạo đức phương Tây thế tục và pháp luật dân sự.
Một vài học giả phương Tây nhận định rằng một phần ba nền văn
minh phương Tây mang dấu ấn của tổ tiên Do Thái. Sức nặng của
nhận định này không chỉ nằm ở một vài những con số khô khan