Trong giai đoạn Hellenism, nhiều người Do Thái được khuyến
khích di cư sang Ai Cập. Ở đây họ phát triển thịnh vượng, xây dựng
các Hội đường Do Thái và bắt đầu nói tiếng Hy lạp. Ai Cập trở
thành trung tâm sinh hoạt lớn thứ hai của người Do Thái Diaspora
sau Babylon.
Vai trò của tầng lớp Rabbi
Do Thái giáo và kể cả dân tộc Do Thái không bao giờ có thể sống
sót nếu truyền thống Rabbi không được thiết lập. Trong suốt
2.000 năm đằng đẵng lưu đày, chính các Rabbi – những tinh hoa tri
thức của dân tộc Do Thái – luôn xuất hiện từ thế hệ này qua thế
hệ khác là những người đã kiên tâm giữ gìn những giá trị truyền
thống của Do Thái giáo và giúp các cộng đồng Do Thái giáo gắn
kết thành một sức mạnh thần thánh. Có thể nói nỗ lực không biết
mệt mỏi này của các Rabbi là một trong những điều kỳ diệu của lịch
sử và chính điều kỳ diệu này là nhân tố chính giúp cho Do Thái
giáo trở thành mảnh đất tinh thần vững chắc trên đó đất nước
Israel đã được xây dựng và nở hoa cho đến ngày nay.
Vậy thì ai là Rabbi đầu tiên và tên gọi “Rabbi” nghĩa là gì?
Rabbi (số nhiều là Rabbis) trong tiếng Hebrew là “người thầy
vĩ đại”. Trong tiếng Việt chúng ta dịch là “giáo sỹ Do Thái”. Danh
hiệu chuyên nghiệp này (professional rabbi) đầu tiên được áp dụng
cho Yehuda HaNasi. Ông là một giáo sỹ Do Thái sống trong thế kỷ
2 (135-217) và là người biên soạn Sách Mishna – bản tóm lược đầu
tiên bằng văn bản của Khẩu Luật (Oral Law) hay Torah Nói (Oral
Torah) của Do Thái giáo. Ông cũng là một nhà lãnh đạo chủ chốt của
cộng đồng Do Thái trong suốt thời kỳ La Mã chiếm đóng Judea.