tắt, riêng ở Alexandria thì bị đàn áp dã man. Người Do Thái
Diaspora hiểu một điều là họ cần có một cái đầu lạnh nếu dân
tộc và đức tin Do Thái muốn được sống còn.
Bị lấy đi mất ngôi đền và không còn nơi thờ cúng, Sách
Talmud được các Rabbi thu thập và soạn thảo trong khoảng thời gian
thế kỷ 3-5 đã trở thành “hiến pháp bỏ túi” cho người Do Thái trong
cuộc sống lưu vong. Cùng với Kinh Thánh Hebrew, Sách Talmud đã
khích lệ những tranh luận bác học, nghiên cứu và trở thành một kho
tàng độc đáo về phong tục tập quán, nhân chủng, lề luật, lịch sử và
văn chương của người Do Thái. Dần dà theo thời gian, Babylon đã
thay thế Galilee để trở thành tâm điểm văn hóa và tôn giáo của
người Do Thái.
Một điểm đặc biệt trong hành trình của người Do Thái Diaspora
là, ở bất cứ nơi nào họ lưu lạc đến, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vật
quý nhất mà họ mang theo mình không gì khác là cuốn Kinh
Thánh cùng những lời thánh vịnh của Vua David:
Thiên Chúa khôi phục linh hồn tôi
Thiên Chúa dẫn tôi đi trên đường công chính vì danh Ngài
Dù có bước qua thung lũng bóng tối của sự chết
Tôi cũng không sợ cái ác vì Thiên Chúa đang ở với tôi…
Kinh Thánh Hebrew đối với người Do Thái là đức tin, vừa là lịch
sử, vừa là nguồn tri thức, giúp họ giữ được bản sắc trong giấc mơ
trở về Đất Thánh.
Trong năm thế kỷ đầu tiên sau công lịch, trung tâm sinh hoạt
của người Do Thái chuyển từ Vùng đất Israel sang Mesopotamia,
đặc biệt ở thủ phủ Babylon. Trong những thế kỷ tiếp theo, họ di
chuyển xa hơn tới các quốc gia Trung Đông, rồi tới vùng vành đai