được ban hành tại Kiev. Hầu hết người Do Thái bị đuổi ra khỏi
Moscow vào năm 1891. Một làn sóng tàn sát lớn lại một lần nữa
bùng nổ trong những năm 1903-1906. Hơn hai triệu người Do Thái
trốn khỏi Nga trong giai đoạn giữa 1880-1920, chủ yếu là sang Mỹ,
sau là Bắc Phi.
Làn gió mới từ Bắc Mỹ
Cuối thế kỷ 18, một làn gió mới đến từ Bắc Mỹ đã đem lại hy
vọng hồi sinh cho người Do Thái giáo. Ở Bắc Mỹ, quốc gia Hoa Kỳ
được thành lập vào ngày 4 tháng Bảy năm 1776 đã cho ra đời một bản
hiến pháp tiến bộ nhất của nhân loại quy định rằng mọi người
đều bình đẳng trước pháp luật. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại,
một quốc gia ngoại giáo tuyên bố rằng người Do Thái được
quyền sống và mưu cầu hạnh phúc như những người khác. Ở nước
Pháp, cuộc cách mạng 1789 và tiếp theo là Tuyên ngôn nhân quyền
được áp dụng cho cả người Do Thái. Người Do Thái được nhận vào
các trường đại học Tây Âu và được tham gia vào mọi tầng lớp xã hội
Tây Âu.
Tuy thế, ở Đông Âu, cuộc sống của người Do Thái giáo vẫn
không có gì cải thiện. Ở Nga, người Do Thái bị o ép và bị dồn vào các
khu định cư Do Thái tối tăm. Những cuộc tàn sát người Do Thái ở
Nga năm 1881 đã làm thay đổi sâu sắc lịch sử người Do Thái, dẫn
đến sự ra đời của Zionism (Phong trào Phục quốc Do Thái) – một
chiến dịch nhằm vận động thành lập một Nhà nước Do Thái trên
mảnh đất Palestine – và sự phát triển của quần thể Do Thái Hoa
Kỳ. Nó cũng gián tiếp dẫn đến Cách mạng Nga. Một cuộc xuất
hành lớn từ Đông Âu và đặc biệt là từ Nga diễn ra suốt từ cuối thế
kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.