Mặt khác, nếu nhân viên làm điều gì đó tuyệt
vời, hãy nói ngay với họ. Cà-rốt không cất giữ
được lâu, lời khen cũng thế. Bạn sẽ thấy họ rất
phấn khởi trước những lời khen cụ thể và kịp thời
hơn là những lời khen qua loa chiếu lệ và muộn
màng.
Bạn cũng nên để ý đến mong muốn, tính cách
và cả những vật dụng trưng bày trong phòng làm
việc của nhân viên để có ý tưởng giúp bạn chọn
lựa phần thưởng thích hợp cho từng người khi
cần thiết.
Và, khi bạn cùng trao đổi cụ thể với các nhân
viên, bạn sẽ giúp họ nhận ra điều gì cần phát huy,
điều gì nên hạn chế. Đôi khi, những định hướng
đúng đắn là điều mà các nhân viên của bạn thật
sự cần cho sự thăng tiến của họ. Một điều quan
trọng bạn cần lưu ý là: Trong bất kỳ chế độ khen
thưởng nào, nếu không xác định rõ ràng tiêu chí
hoặc tệ hơn là xác định sai tiêu chí thì chẳng
những không thể khuyến khích nhân viên nỗ lực
hết mình mà còn tạo ra tác dụng tiêu cực, làm nảy
sinh tâm trạng bất mãn của những nhân viên thật
sự có năng lực. Chúng ta không được nhầm lẫn
giữa nghĩa vụ với thành tích. Khi những việc làm
tốt được công nhận - và hành động này rất quan
trọng đối với tổ chức của bạn - người được khen
thưởng và đồng nghiệp của họ sẽ làm việc tốt hơn,
thông minh hơn.
Một chiến lược khen thưởng có thành công hay
không tùy thuộc vào việc nó được thực hiện như
thế nào và cách đối xử của bạn với nhân viên ra sao. Nếu bạn đối xử tốt với họ, họ sẽ đối xử tốt
với khách hàng, điều đó thật đơn giản và dễ hiểu.
DÀNH CHO BẠN
Hãy suy nghĩ thật kỹ về các tiêu chí khen thưởng nhân viên. Trong cuộc họp sắp tới, hãy khen
thưởng một nhân viên vì người này đã đáp ứng mọi tiêu chí khen thưởng. Và giữ thông lệ này
bằng cách khen thưởng đều đặn trong mỗi cuộc họp.