“Chị có kể cho em là chị bắt đầu cho nó ăn đồ ăn đặc chưa?” Chị ấy ngắt lời
lần nữa.
“Có, Fliss. Em chắc là chị đã nói.”
Felicity, trở thành Người hay nói dớ dẩn về trẻ con bự nhất thế giới, kể với
tôi mọi điều về Olivia - sự phát triển của con bé, trí óc nhanh nhạy của con
bé, sự tăng cân, mọc tóc, vẻ xinh xắn vượt trội của con bé so với những đứa
bé khác mà chị ấy biết - và về niềm vui không giới hạn khi được làm mẹ.
Chị ấy không làm như thế vì tự mãn - chị ấy là một người tử tế và tốt bụng -
nhưng chị ấy không thể làm khác bởi vì chị ấy quá hạnh phúc. Và vì ba
chúng tôi rất gần gũi, và vì Hope và tôi không có con - Hope chưa bao giờ
muốn có con - Fliss muốn chia sẻ tất cả với hai chúng tôi. Chị ấy xem nó
như một món quà dành cho những cô em gái không có con của mình, lôi
chúng tôi vào mọi chi tiết nhỏ nhặt của Olivia. Và mặc dù ý định của chị ấy
là tốt, đôi khi nó vẫn khiến tôi nổi giận. Phải, thành thật mà nói, nó có thể...
tác động đến tôi. Nhưng bất cứ khi nào như thế, tôi chỉ cần nhắc mình nhớ
rằng chị ấy phải trải qua những gì để có một đứa con. “Chị sẽ bước đi trên
kính vỡ,” chị ấy từng nói với tôi, trong nước mắt. “Chị sẽ bước đi trên kính
vỡ nếu cần phải như vậy.” Và theo một khía cạnh nào đó, đó là đã làm, bởi
vì chị ấy đã phải mất mười năm và sáu lần trị liệu sinh sản thất bại. Thực tế
rằng chị ấy là một cô giáo Montessori[10] chỉ làm sự thất vọng của chị ấy
tồi tệ hơn.
[10] Montessori là một trong những phương pháp giáo dục trẻ con dựa trên
sự nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sỹ và cô giáo người Italy Maria
Montessori (1870-1952). Mục tiêu của phương pháp này là quan sát thực
nghiệm trẻ con để tìm hiểu, duy trì và hỗ trợ những tiềm năng tự nhiên của
trẻ nhỏ. Vai trò của thầy cô giáo Montessori là theo dõi môi trường xung
quanh và loại bỏ bất kỳ cản trở nào có thể can thiệp đến quá trình phát
triển tự nhiên của trẻ. (ND)