“Bây giờ thì phức tạp hơn. Ta có thể tiếp cận hình thức bản in từ hai góc
độ khác nhau. Một là ta có thể giả định rằng cuốn sách là thật. Tuy vậy chủ
nhân của nó lại phủ nhận, và theo ông thì ông ta có cách để biết. Vì vậy
tính nguyên gốc là có thể nhưng không chắc lắm. Ta hãy giả định đây là đồ
giả và xem xét mọi khả năng. Thứ nhất, toàn bộ văn bản có thể là giả, văn
bản giả được in trên giấy thời ấy và đóng bìa với chất liệu thời ấy. Điều này
khó xảy ra. Hoặc nói chính xác hơn là không mấy thuyết phục. Giá của một
cuốn sách như vậy rất khủng khiếp… Một khả năng khác, và điều này là
hợp lý, cuốn sách ngụy tạo có thể được làm không lâu sau khi cuốn sách
được xuất bản lần đầu tiên. Ý tôi là nó được in lại có vài sửa đổi, được hóa
trang cho giống với bản in lần đầu, chừng một hai chục năm sau cái năm
1666 ghi trên đầu sách này. Nhưng để làm gì?”
“Đây là một cuốn sách cấm,” Pablo Ceniza nói.
“Có thể,” Corso đồng ý. “Ai đó đã có được trong tay thiết bị - khuôn in
và chữ in - mà Aristide Torchia đã sử dụng và đã có thể in sách thêm lần
nữa.”
Người anh nhặt một cây bút chì rồi nguệch ngoạc mấy nét lên sau một
tờ giấy in. “Có thể đó là một cách giải thích,” hắn nói. “Nhưng có cách
khác hợp lý hơn. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng rằng cả cuốn sách là đồ thật
nhưng thiếu vài trang, bị xé hoặc bị mất, và ai đó đã thay chúng bằng
những trang sách dùng giấy thời ấy, kết hợp với kỹ thuật in hoàn hảo và
lòng kiên nhẫn vô biên. Khi đó có hai khả năng: một là những trang thêm
vào là bản mô phỏng từ ấn bản hoàn chỉnh, hai là nếu không có bản gốc để
mô phỏng hay sao chép thì nội dung của chúng được phịa ra.” Người thợ
đóng sách chìa cho Corso thứ hắn ta đang viết. “Quá trình tạo ra một cuốn
sách giả được mô tả trong biểu đồ này.”
Trong khi Corso và Pablo xem tờ giấy, Pedro lại lật nhanh cuốn Chín
cánh cửa.
“Tôi thiên về ý nghĩ,” hắn thêm vào sau một thoáng, khi hai người kia
tập trung chú ý vào hắn, “rằng nếu có mấy trang bị ghép thêm vào, nó phải