người ta dùng những bản in thử của cùng cuốn sách đó, hoặc của lần xuất
bản trước. Một số bìa sách tìm được bây giờ lại có giá trị hơn cả những văn
bản bên trong cuốn sách.” Hắn trỏ vào những tờ giấy trên bàn. “Kia là một
ví dụ. Nói cho ông ấy biết đi, Pablo.”
“Sắc lệnh của Giáo hoàng về cuộc Thập tự chinh Thần thánh, năm
1483.” Người anh cười mập mờ. Giống như hắn đang nói về chuyện tình
dục hơn là về đống giấy cổ xưa. “Được dùng để đóng bìa cho những cuốn
hồi ký vô giá.”
Pedro Ceniza kiểm tra Chín cánh cửa. “Bìa sách không vấn đề gì,” hắn
nói. “Mọi thứ đều khớp. Một cuốn sách kỳ quặc, đúng không? Năm dải
băng đắp nổi trên gáy sách, không có nhan đề, và cả cái biểu tượng quái dị
này nữa. Torchia, Venice 1666. Chắc ông ta tự đóng lấy. Một món đồ tuyệt
đẹp.”
“Còn chất giấy thì sao?”
“Thật là chẳng hổ danh ông, thưa ông Corso. Câu hỏi hay đấy.” Người
thợ đóng sách liếm liếm môi như muốn làm nó ấm lên. Hắn búng búng các
trang sách và cẩn thận lắng nghe thanh âm phát ra, hệt như Corso đã làm ở
chỗ Varo Borja. “Giấy hảo hạng. Không hề giống như thứ giấy xenlulô hiện
thời. Ông có biết tuổi thọ trung bình của một cuốn sách in hiện nay là bao
nhiêu không? Nói đi, Pablo.”
“Sáu mươi năm,” người em đau khổ nói, như thể đó là lỗi của Corso.
“Khốn nạn, vẻn vẹn có sáu mươi năm.”
Pedro lục lọi đống dụng cụ trên mặt bàn. Sau cùng hắn tìm thấy một cái
kính lúp có độ phóng đại cực lớn, liền soi lên trên cuốn sách.
“Một thế kỷ nữa,” hắn lẩm bẩm trong lúc giở một trang sách lên soi
dưới ánh đèn để xem xét, một mắt nheo lại, “hầu hết sách vở trong các thư
viện hiện nay sẽ biến mất. Nhưng những cuốn sách này, in cách đây hai
trăm, thậm chí năm trăm năm thì sẽ vẫn còn nguyên. Chúng ta có sách, và
có cái thế giới mà chúng ta xứng đáng có… Phải vậy không, Pablo?”
“Sách tồi in trên giấy tồi.”