“Chết,” Makarova lặp lại bằng giọng cổ, tựa hồ đang thưởng thức giọng
nói của mình. Mỗi lúc ả một thêm hứng thú.
“Tự tử,” Corso nói rõ.
Ả nhún vai, tỏ ra là với ả tự tử hay bị giết chẳng có gì khác nhau lắm.
Có một bản thảo đáng ngờ và một cái xác: hoàn toàn đủ để giả định là có
âm mưu gì đây rồi.
Nghe đến chữ “tự tử”, La Ponte gật đầu với vẻ ủ dột. “Họ nói vậy.”
“Cậu có vẻ không chắc lắm.”
“Quả vậy. Chuyện hơi kỳ quặc.” Hắn lại nhăn mặt, bỗng nhiên nom ỉu
xìu và quên hẳn ả tóc vàng. “Tôi ngửi thấy có mùi gì đấy ám muội.”
“Taillefer có nói bằng cách nào hắn kiếm được tập bản thảo không?”
“Lúc đầu tôi không hỏi. Tới lúc xảy ra chuyện thì lại quá muộn rồi.”
“Cậu đã nói chuyện với bà vợ góa chưa?”
La Ponte tỉnh hẳn người. Hắn cười toét miệng. “Để lúc khác tôi nói.”
Tựa như hắn nhớ ra mình còn một con bài tủ. “Đó sẽ là thù lao cho anh. Tôi
không thể chi nổi dù chỉ một phần mười số tiền Varo Borja trả cho cuốn
Sách về chín lời nói dối của hắn đâu.”
“Tôi sẽ lấy đúng tỷ lệ đó khi cậu tìm được một khách hàng sộp và trở
thành triệu phú. Chỉ sau đấy tôi mới lấy tiền.”
La Ponte lộ vẻ đau khổ. Thằng cha vốn ưa nhạo báng nhưng lại có phần
đa cảm, Corso nghĩ.
“Tôi cứ nghĩ anh giúp tôi vì là bạn bè,” La Ponte phản kháng. “Anh biết
đấy. Câu lạc bộ những Người phóng lao Nantucket. Lẽ nào chỉ để nói với
nhau: Xem con nhỏ phụt nước kìa! cùng với những thứ nhảm nhí tương
tự?”
“Bạn bè,” Corso đáp rồi nhìn quanh như muốn tìm ai đấy giải thích từ
này cho gã hiểu. “Ở quầy bar và nghĩa địa có cả đống bạn tốt.”
“Vậy lúc cần anh dựa vào ai, mẹ kiếp?”