Makarova cười khỉnh hoặc trước số phận của người thợ in Torchia hoặc
với viên đao phủ không thể bắt ông ta thú nhận. La Ponte nhăn mặt.
“Anh nói là chỉ còn lại một cuốn,” hắn phản bác. “Nhưng trước đó anh
nói rằng có ba.”
Corso gỡ kính, soi ra ánh sáng xem có sạch không.
“Đó mới là vấn đề,” gã nói, “những cuốn sách luân lạc qua chiến tranh,
trộm cắp và hỏa tai. Không biết cuốn nào là thật nữa.”
“Có khả năng tất cả đều là giả,” Makarova góp chuyện ra chiều sành sỏi.
“Có thể. Vì thế tôi phải tìm hiểu xem có phải Varo Borja giở trò bịp bợm
hay không. Đó cũng là lý do tôi phải đi Sintra và Paris.” Gã sửa lại cặp kính
rồi nhìn La Ponte. “Trong khi ở đó, tôi sẽ xem lại bản thảo của cậu.”
Gã buôn sách thận trọng đồng ý, mắt nhìn cô nàng ngực to trong gương.
“So với cái đó, có vẻ như thật buồn cười khi anh để mất thì giờ với Ba
người lính ngự lâm…”
“Cái gì?” Makarova xen vào, hết hẳn dửng dưng. Ả thực sự bị xúc
phạm. “Đó là cuốn truyện hay nhất tôi được đọc!”
Ả lấy tay vỗ mạnh lên mặt quầy bày tỏ thái độ, bắp cơ trên cánh tay
phồng lên. Boris Balkan hẳn sẽ rất vui mừng khi nghe điều đó, Corso nghĩ.
Ngoài tiểu thuyết của Dumas, những cuốn nằm trong danh sách top ten của
Makarova (mà gã là cố vấn văn học) bao gồm Chiến tranh và hòa bình, Đồi
thỏ hoang và Carol của Patricia Highsmith.
“Đừng lo,” gã nói với La Ponte. “Tôi sẽ bắt Varo Borja chịu phí tổn.
Nhưng tôi muốn nói rằng Rượu vang Anjou của cậu là đồ thật. Ai lại làm
giả một thứ như vậy chứ?”
“Người ta có thể làm giả đủ mọi thứ,” Makarova giọng thạo đời xen
vào.
La Ponte đồng ý với Corso – giả mạo một tài liệu như vậy là ngu ngốc.
Lão Taillefer quá cố đã đảm bảo với hắn tính chân thực của nó. Nó chính là
của Dumas. Và Taillefer là người đáng tin.