I
“RƯỢU VANG ANJOU”
“Người đọc cần chuẩn bị tinh thần chứng kiến những màn hung hiểm
bậc nhất.”
E. Sue, NHỮNG BÍ MẬT THÀNH PARIS.
Tên tôi là Boris Balkan, tôi đã từng dịch cuốn Tu viện thành Parme.
Ngoài ra tôi cũng biên tập mấy cuốn tiểu thuyết ăn khách thế kỷ 19, các bài
báo và phê bình của tôi có mặt trên những tờ báo hay phụ trương khắp châu
Âu, tôi còn mở những cua ngắn hạn mùa hè bồi dưỡng người viết nghiệp
dư. Chẳng có gì đáng nói, e là vậy. Đặc biệt là những ngày này, khi mà sự
tự sát tự ngụy trang thành giết người, những cuốn tiểu thuyết do viên bác sĩ
của Roger Ackroyd viết ra, ngoài ra còn có quá nhiều người khăng khăng
đòi xuất bản hai trăm trang sách về những xúc cảm huyền hoặc họ từng thể
nghiệm khi nhìn vào gương.
Nhưng hãy trở lại câu chuyện.
Lần đầu tôi gặp Lucas Corso là khi gã tới tìm tôi, cắp nách bản thảo
Rượu vang Anjou. Corso là một thứ lính đánh thuê trong thế giới sách,
chuyên săn lùng sách cho người ta. Làm việc đó có nghĩa là phải có tài ăn
nói và chịu bẩn tay. Cũng cần có phản xạ tốt, tính kiên nhẫn, rất nhiều may
mắn cùng với trí nhớ phi thường để biết chính xác ở một xó xỉnh bụi bặm
nào đó, trong cửa hàng của một lão già nào đó có một quyển sách bị bỏ
quên mà nay đáng giá cả một gia tài. Khách hàng của gã ít và chọn lọc: vài
mươi nhà buôn sách ở Milan, Paris, London, Barcelona và Lausanne, thuộc
loại chuyên bán hàng qua catalô, chỉ bỏ tiền làm những món chắc ăn và
không bao giờ có trong tay quá năm chục đầu sách mỗi lần. Những ông
trùm buôn sách cổ dùng giấy da dê hoặc da cừu hay loại sách để lề rộng