ra Đà Nẵng. Và phải có tiền. Thị trấn nghèo đa số cư dân phải lo chạy ăn
từng bữa, bỏ tiền mua sách là chuyện xa xỉ. Ông ngoại tôi ở Cẩm Lũ, thỉnh
thoảng cưỡi mobylette ra thị trấn thăm gia đình tôi, có khi ông ở lại chơi vài
ngày. Đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất đối với tôi. Khi biết tôi học khá,
ông thường vui vẻ hỏi: "Con thích thứ gì, ông thưởng cho con?". Câu trả lời
của tôi bao giờ cũng là: "Sách". Thầy tôi ham đọc sách, ông càng hài lòng.
Vài hôm sau, thế nào ông cũng mua sách nhờ người đem tới cho tôi.
Nhưng sách ông tôi mua cho, đến năm tôi học lớp Sáu, bày chưa kín một
góc bàn. Số sách đó tôi đã đọc hết từ lâu và bắt đầu đọc lại đến lần thứ năm,
thứ sáu.
Vì vậy, việc chú Lãm mở tiệm cho thuê truyện là một sự kiện đối với tôi.
Tôi nghe người ta bảo hồi nhỏ chú Lãm đi chơi bị núi đè, phải cưa bỏ một
chân. Bây giờ, chú đi lại bằng một cây nạng chống. Từ ngày lui tới tiệm cho
thuê truyện của chú, tôi để ý thấy chú không có vẻ gì lúng túng với việc đi lại
bằng nạng. Khi có việc gấp, tôi thấy chú đi rất nhanh. Chú chống nạng vọt
tới, lướt băng băng, còn nhanh hơn người bình thường. Sau này đọc truyện
"Thiên long bát bộ" của Kim Dung, tôi thấy chú giống hệt nhân vật Đoàn
Diên Khánh. Tôi cũng nhiều lần thấy chú cưỡi xe honda phóng vi vút như
một tay chơi bạt mạng và hình ảnh đó khiến tôi phục lăn.
Tiệm cho thuê truyện của chú Lâm chỉ có hai loại sách: truyện kiếm hiệp
và truyện tình cảm. Tôi còn bé, mới mười một tuổi nên không quan tâm đến
các loại truyện tình cảm lâm ly sướt mướt.
Riêng truyện kiếm hiệp, tôi bị nó mê hoặc ngay từ khi chạm vào trang
sách đầu tiên. Trước đó, tôi say sưa với truyện của Tô Hoài, Thế Lữ, Lan
Khai và các loại sách Hồng dành cho thiếu nhi. Tiếp xúc với truyện kiếm
hiệp, lần đầu tiên tôi biết đến một thế giới hấp dẫn theo kiểu khác. Đó là một
thế giới rộng lớn có kích thước khác hẳn với thế giới đời thường, nơi những
cao thủ võ lâm đi trên nóc nhà, cũng sở hữu những chiêu thức vô cùng kỳ dị.