tháng Sáu, tuy vẫn chưa có bụng nhưng không biết tại sao, sáng nào cô
cũng nôn rất dữ. Thời Việt thương vợ ghê gớm lại cũng không biết phải
làm gì. Hai người đi khám, bác sĩ nhận định vậy là rất bình thường!
Anh vốn định qua ba tháng, Tiểu Thụ bắt rễ thật chắc rồi, anh có thể
cùng cô về Vụ Nguyên ăn tết Đoan Ngọ, dù sao mẹ anh cũng rất nhớ cô.
Nhưng Nam Kiều nôn nghén như thế, anh không nỡ để cô đi lại xa xôi.
Trước tết Đoan Ngọ, anh về nhà một chuyến, hỏi mẹ rất nhiều kinh nghiệm
chăm sóc bà bầu, giảm nôn nghén rồi quay lại Bắc Kinh, cùng Nam Kiều
về hồ Nhạn Tê ăn tết.
Tết Đoan Ngọ, ông Nam Hoành Trụ biết Học viện Không quân
phương Bắc đạt được một số thành quả quan trọng nên vui mừng lắm, đến
tối, ông lấy mấy bình Mao Đài đã cất giữ rất nhiều năm ra uống. Nam Kiều
có bầu, Thời Việt không còn áp lực kiêng rượu nữa, cùng bố vợ uống một
trận đã đời. Bao nhiêu năm trời không có đối thủ uống rượu, lần này gặp
Thời Việt kỳ phùng địch thủ, ông vẫy tay liên tục: “Qua đây, qua đây, ngồi
xa thế làm gì? Ra ngồi cạnh bố”.
Nam Kiều khá bình thản nhưng Nam Tư lại bắt đầu tị nạnh, nhân lúc
có hơi men mới dám cười ông: “Quên mất mình là bố ruột của ai rồi!”.
Mặt ông hầm hầm, vỗ vai Thời Việt nói: “Sau này kẻ nào dám nói anh
không có bố, bảo kẻ đó đến gặp tôi!”.
…
Tối đó, ông Nam Hoành Trụ uống rất nhiều rượu, Thời Việt vẫn còn
tỉnh táo. Uống rượu xong, ông xem phim “Bắc Bình không chiến sự” một
lúc rồi nói chuyện với Thời Việt về trường hàng không Kiển Kiều, sau đó
lại nói tới cuộc không chiến “Mười bốn tháng Tám” ở Kiển Kiều và cuộc
xung đột Falklands… Ông càng nói càng tỉnh táo, càng nói càng hăng máu.