lợi dụng ưu thế của mình gây tổn hại đến các quyền và lợi ích của
công ty và của các cổ đông khác”, khi xây dựng Quy chế quản trị nội
bộ công ty của riêng mình, doanh nghiệp có thể cụ thể hoá quy định
này, đưa ra cơ chế điều chỉnh phù hợp. Trong nhiều trường hợp,
khi có thể có mâu thuẫn, xung đột quyền lợi giữa các nhóm cổ đông
trong công ty, ngoài việc dựa vào Quy chế quản trị nội bộ công ty, có
thể ký kết Thoả thuận cổ đông để xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ,
ghi nhận những thoả thuận giữa các nhóm cổ đông này nhằm mục
đích đưa doanh nghiệp phát triển.
Trong Quy chế quản trị nội bộ công ty, doanh nghiệp có thể làm
rõ trách nhiệm của HĐQT đối với công ty và các cổ đông trong việc
đưa ra các định hướng chiến lược phát triển của công ty, bổ sung
thành viên HĐQT độc lập và đưa ra cơ chế phản biện trong HĐQT
tránh rủi ro khi HĐQT đưa ra định hướng đầu tư tràn lan dẫn đến
lỗ nặng như trường hợp của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Ree (Cáo
bạch của Ree cho thấy, trong Quý 1-2008, doanh số của Ree đạt
275,26 tỷ đồng và đã lỗ 106 tỷ đồng, kể cả sau khi đã đưa Quỹ dự
phòng 160,68 tỷ đồng vào xử lý các danh mục chứng khoán giảm).
Quy chế quản trị nội bộ công ty và việc tuân thủ Quy chế này
chính là cơ sở để đánh giá việc thực hiện quản trị công ty của doanh
nghiệp. Đánh giá này rất quan trọng không chỉ đối với các cơ quan
quản lý Nhà nước mà còn đặc biệt quan trọng đối với nhà đầu tư.
Nghiên cứu của McKinsey & Company, Credit Lyonnais Securities
Asia và Ngân hàng Thế giới cho thấy nhà đầu tư đặt đánh giá về
quản trị doanh nghiệp thậm chí cao hơn đánh giá về chỉ số doanh
thu và lợi nhuận. Rõ ràng có sự tương quan chặt chẽ giữa việc thực
hiện quản trị công ty với giá cổ phiếu và kết quả hoạt động của công
ty nói chung. Theo đó, quản trị tốt sẽ mang lại hiệu quả cao cho nhà
đầu tư, nhiều lợi ích hơn cho các thành viên khác trong công ty.
Kết quả là các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn cho cổ phiếu