chúng; công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng
khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; công ty có cổ phiếu
được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư
chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ
đồng Việt Nam trở lên. Nét đặc trưng của các công ty đại chúng là có
sự tham gia của nguồn vốn từ bên ngoài với rất nhiều những nhà
đầu tư, do đó đặt ra yêu cầu quản trị công ty (corporate
governance) như là yếu tố khác biệt với vấn đề quản lý công ty
(management).
Khi bỏ vốn vào công ty, nhà đầu tư quan tâm đến việc mình sẽ
thu được gì và có gì đảm bảo cho khoản đầu tư đó. Nếu như khi
đem tiền cho vay với hợp đồng vay nợ, người ta biết chắc chắc
mình sẽ được trả nợ hay sẽ có quyền đòi nợ nhưng khi đầu tư mua
cổ phiếu, nhà đầu tư đại chúng chỉ có các cổ phiếu với cổ tức phụ
thuộc vào kết quả và chiến lược của công ty, không có quy định cụ
thể về mức và thời gian chia cổ tức cho cổ đông. Trong công ty đại
chúng luôn có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành
và nhà đầu tư hiểu rằng sẽ có ai đó đưa ra những quyết định ảnh
hưởng đến giá trị của khoản đầu tư của họ. Nhà đầu tư chỉ còn
biết hy vọng rằng những người ra quyết định - những người quản
lý công ty sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong đó có nghĩa vụ
phải thận trọng, nghĩa vụ trung thành. Ở đây nổi lên vai trò của quản
trị công ty như một công cụ, như một đảm bảo để nhà đầu tư có thể
kiểm soát, có thể tin tưởng rằng những người quản lý công ty sẽ
không đưa ra những quyết định có lợi cho riêng họ. Quản trị công ty
được hiểu như một quy trình, một tiêu chuẩn chung về hành vi, thay
thế cho các nghĩa vụ cụ thể của hợp đồng vay nợ. Nếu quản trị
công ty không đem lại nhiều bảo đảm cho nhà đầu tư, nhà đầu tư
sẽ trả giá thấp cho cổ phần của công ty.