thống luật pháp của chúng ta đặt ra giới hạn cho các biện pháp kỷ luật.
Trong nỗ lực để làm rõ những điều cấu thành nên việc lạm dụng thể chất,
Quốc hội đã ban hành Luật liên bang về đối xử và phòng chống lạm dụng
trẻ em vào năm 1974. Bộ luật này định nghĩa việc lạm dụng thể chất là: “Sự
gây ra chấn thương cho cơ thể như những vết bầm tím, bỏng, sưng tấy, vết
cắt, gãy xương và nứt hộp sọ, bị gây ra bởi việc đá, đấm, cắn, đập, đâm
dao, trói buộc, đánh vào mông...”. Định nghĩa này được diễn giải trong luật
như thế nào thường là vấn đề của sự giải thích. Mỗi một bang đều có luật
chống bạo hành trẻ em riêng, và hầu hết đều có định nghĩa tương tự với
định nghĩa của luật liên bang, nhưng vẫn có phần mơ hồ trong phạm vi của
nó. Một đứa trẻ bị gãy xương rõ ràng đã bị ngược đãi, nhưng hiếm khi nào
các công tố viên lại áp dụng án phạt lên một vị phụ huynh đã gây ra những
vết bầm tím trên cơ thể con cái họ do tét đít.
Tôi không phải là một luật sư hay cảnh sát, nhưng với hai mươi năm
trong nghề tôi đã nhìn thấy những bất hạnh mà sự trừng phạt thân thể “hợp
pháp” ấy có thể gây ra. Tôi có định nghĩa của riêng mình về sự ngược đãi
thân thể: bất kỳ một hành vi nào gây ra đau đớn đáng kể về mặt thể xác cho
một đứa trẻ, dù nó có để lại dấu vết hay không.
Tại sao cha mẹ lại đánh đập con cái?
Hầu hết những người có con cái trong chúng ta đều cảm thấy muốn
đánh chúng vào lúc này hay lúc khác. Cảm giác này có thể vô cùng mạnh
mẽ khi một đứa trẻ không ngừng khóc, hờn dỗi, hay tỏ thái độ thách thức.
Đôi khi sự việc không liên quan nhiều tới hành vi của trẻ mà bởi sự mệt
mỏi, mức độ căng thẳng, lo âu, hay sự bất hạnh của chính chúng ta. Nhiều
người trong chúng ta cố gắng kháng cự lại sự thôi thúc muốn đánh đập các
con ấy. Nhưng thật không may làm sao, nhiều bậc cha mẹ khác không có
khả năng kiềm chế được như thế.