họ lại chọn im lặng để được an phận. Khi ấy bản thân tôi cảm thấy
mọi chuyện thật tệ, như tôi vừa gây ra một chuyện gì đó thật kinh
khủng. Mặc dù tôi đã nói lên sự thật cha mình là một kẻ nghiện rượu
nhưng cuối cùng tôi cảm thấy mình thật điên khi làm điều đó.
Tôi hỏi Glenn liệu cố gắng phơi bày sự thật của anh có dẫn đến sự
thay đổi nào trong ứng xử gia đình không.
Khi nói ra những điều đó, tôi như trở thành một con hủi trong mắt gia
đình. Chẳng ai nói một lời nào với tôi. Họ làm vậy như muốn nói tôi là
cái gì mà dám đổ lỗi lên ông ấy? Họ hành xử như tôi chẳng hề tồn tại.
Tôi không thể chịu đựng việc bị gia đình hắt hủi, nên từ đó tôi chẳng
hé môi về chuyện bia rượu của cha. Tôi chẳng nói đến nó nữa trong
hai năm tiếp theo và cho đến... ngày hôm nay.
Trong gia đình Glenn, mỗi thành viên đều mang một vai diễn được
sáng tạo ra để đảm bảo sự trường tồn của hệ thống gia đình. Vai của cha là
uống rượu; của mẹ là người phụ thuộc; và thật ngược đời, con cái đóng vai
cha mẹ. Điều này cũng dễ đoán và khá quen thuộc nên mọi người cảm thấy
thật an toàn với chúng. Khi Glenn thắc mắc về những vai trò đó, anh ấy đã
làm đảo lộn trật tự. Hình phạt của anh ấy là bị “ăn bơ Siberia”.
Chẳng cần quá lâu để châm mồi một cuộc khủng hoảng trong một gia
đình độc hại: Người cha mất việc, một người thân qua đời, ba mẹ chồng
hay vợ chuyển đến sống chung, đứa con gái đi chơi suốt với bạn trai, thằng
con trai ra ở riêng, hay người mẹ bị bệnh. Như cách gia đình Glenn đã làm
khi anh cố để nói chuyện với cha của anh, đa số cha mẹ độc hại giải quyết
khủng hoảng bằng cách chối bỏ, giấu diếm và tệ hơn hết là đổ lỗi. Và người
bị đổ lỗi luôn là con cái.
Cách cha mẹ độc hại hành xử