Con sắp sửa nói với cha (mẹ) những điều trước đây con chưa từng nói.
Con muốn cha (mẹ) lắng nghe con nói hết. Chuyện này rất quan trọng với
con. Con hi vọng cha (mẹ) không phản đối, hay ngắt lời con. Sau khi con
nói xong hết, cha mẹ có thể nói gì tùy ý. Cha (mẹ) có đồng ý làm thế
không?
Cha mẹ bạn phải đồng ý với những điều kiện này ngay từ ban đầu.
Việc này rất quan trọng. Đa số họ sẽ đồng ý. Nếu ngay cả việc này họ cũng
không muốn làm, có lẽ tốt hơn hết bạn nên hoãn buổi đối thoại này sang
một dịp khác. Điều quan trọng là bạn phải nói ra được những gì đã chuẩn bị
mà không bị xô lệch khỏi đường ray, bị cắt lời, hoặc xa rời mục tiêu ban
đầu của bạn. Nếu họ từ chối lắng nghe thì có lẽ viết thư sẽ là phương pháp
tốt hơn.
BẠN NÊN MONG ĐỢI ĐIỀU GÌ
Một khi bạn đã khơi mào, cha mẹ độc hại sẽ đáp trả. Xét cho cùng nếu
họ có khả năng lắng nghe, suy nghĩ thấu đáo và hợp lý, tôn trọng tình cảm
của bạn, ủng hộ sự độc lập của bạn, thì họ đã không là cha mẹ độc hại ngay
từ đầu rồi. Bạn hãy nghĩ tới khả năng họ sẽ nhìn nhận lời nói của bạn là sự
công kích cá nhân và phản bội. Họ có xu hướng dùng lại những thủ thuật
và cơ chế phòng thủ mà họ vẫn hay áp dụng, chỉ là với mức độ nhiều hơn
trước mà thôi.
Những bậc cha mẹ bất toàn hay khiếm khuyết sẽ trở nên đáng thương
và áp đảo hơn. Những người nghiện rượu sẽ chối bỏ chứng nghiện của
mình kịch liệt hơn, hoặc nếu họ đang cai rượu họ sẽ dùng việc đó nhằm hạ
thấp năng lực đối chất của bạn. Những người thích kiểm soát sẽ tăng cảm
giác tội lỗi cho bạn và tự cho mình đúng. Những cha mẹ bạo hành thì phẫn
nộ và gần như chắc chắn sẽ đổ lỗi cho bạn vì những gì bạn phải chịu. Tất cả
những hành xử này nhằm mục đích lấy lại thế cân bằng của gia đình, đưa
bạn trở về trạng thái khuất phục và chịu đựng ban đầu. Mong chờ điều tồi