tệ nhất xảy ra cũng là một ý hay - nếu có điều gì đó tốt hơn mong đợi thì sẽ
là một phần thưởng thêm cho bạn.
Bạn nên nhớ, điều quan trọng ở đây không phải là phản ứng của họ mà
là cách bạn trả lời họ. Nếu bạn đứng vững được trước cơn thịnh nộ, cáo
buộc, đe dọa và gây cảm giác tội lỗi của cha mẹ bạn, đó sẽ là những giây
phút huy hoàng nhất cuộc đời mình.
Để chuẩn bị tâm lý tốt bạn phải lường trước tình huống xấu nhất có
thể xảy ra. Vẽ ra hình ảnh gương mặt cha mẹ bạn trong đầu: một gương
mặt giận dữ, đáng thương, đầy nước mắt hay bất cứ thứ gì bạn nghĩ tới.
Nghe những lời tức giận của họ, chối bỏ, cáo buộc của họ. Giảm sự nhạy
cảm của bạn bằng cách nói to thành tiếng những gì cha mẹ bạn có thể sẽ
nói, sau đó tập những đáp ứng không phòng vệ, giữ bình tĩnh. Nhờ ai đó
đóng vai cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ bạn. Nhờ bạn của bạn nói những
lời độc ác nhất họ có thể nghĩ ra mà không cần dè chừng. Những người cha
(mẹ) giả này cần phải la hét, nhạo báng, đe dọa từ mặt bạn, và buộc tội bạn
xấu xa và ích kỷ. Bạn tập trả lời theo những câu như:
• Con biết cha (mẹ) nhìn nhận chuyện này như vậy.
• Phỉ báng và la lối cũng không ích gì cả.
• Con không đồng ý với những cáo buộc của cha (mẹ).
• Đây là lý do tại sao chúng ta cần một buổi nói chuyện thế này.
• Con không đồng ý cách cha (mẹ) nói chuyện với con như vậy.
• Cha (mẹ) đã đồng ý sẽ im lặng lắng nghe con nói hết rồi cơ mà.
• Mình có thể nói chuyện vào lúc khác khi cha (mẹ) bình tĩnh hơn.
Dưới đây là một số phản ứng điển hình của cha mẹ khi con cái đối đầu
với họ và một số câu trả lời mẫu để bạn tham khảo:
“Làm gì có chuyện đó.” Cha mẹ nào đã từng dùng biện pháp phủ nhận
để tránh né cảm giác bất toàn hoặc lo lắng của họ trong quá khứ thì gần như
chắc chắn sẽ phủ nhận trong buổi đối chất nhằm củng cố phiên bản riêng