Một số cha mẹ đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, khiến cho buổi nói
chuyện lâm vào cảnh thật sự bế tắc và không khả thi. Cho dù bạn có hợp
tình hợp lý, tốt bụng, rõ ràng, bình tĩnh như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng
phải dừng buổi nói chuyện vì hành xử của họ. Những lời lẽ và động cơ của
bạn sẽ bị họ bóp méo qua những lời nói dối. Và mặc dù họ đã đồng ý sẽ im
lặng lắng nghe, nhưng khi diễn ra cuộc đối chất ấy, họ lại liên tục ngắt lời,
buông lời cáo buộc, la hét, đập phá đồ đạc, quăng chén dĩa, làm cho bạn
nhẹ thì tức điên lên, nặng thì khiến bạn muốn giết người. Do đó, việc biết
khi nào nên dừng lại cũng quan trọng không kém so với việc đẩy lùi nỗi sợ
và can đảm giãi bày tâm tình với cha mẹ bạn. Nếu bạn phải ngưng buổi đối
chất chỉ vì hành xử của họ, thì đó là thất bại của họ, không phải của bạn.
Một buổi đối chất nhẹ nhàng
Số lượng các buổi đối chất vượt khỏi tầm kiểm soát là không nhiều,
ngay cả khi chúng rất bão táp. Thật ra một số trường hợp lại diễn ra nhẹ
nhàng đến kinh ngạc.
Melanie - cô luôn cố cứu lấy những người bất toàn, khi bé cô đã viết
thư cho chuyên mục Dear Abby vì cô bị ép phải an ủi người cha sầu muộn
trong thời gian ông rơi vào rối loạn cảm xúc thường trực và khóc không
kiểm soát. Cô quyết định dẫn mẹ cô, bà Ginny, đến văn phòng tôi để nói
chuyện với bà (cha cô khi ấy đã mất). Cô mở đầu buổi nói chuyện bằng
những câu chúng tôi đã luyện tập với nhau trước đó, và mẹ cô đồng ý lắng
nghe cô nói hết.
MELANIE: Mẹ, con cần nói với mẹ một số chuyện xảy ra ngày xưa
vẫn khiến con tổn thương đến tận giờ. Con nhận ra khi còn bé con đã
tự trách bản thân rất nhiều.
GINNY (cắt lời): Con yêu, nếu con còn cảm thấy thế thì việc trị liệu
của con cũng thật không ra sao cả.