Phủ nhận là cách thức bảo vệ tâm lý cổ xưa nhất và cũng quyền năng
nhất. Nó sử dụng thực tế giả tạo để giảm thiểu, thậm chí phủ nhận hoàn
toàn ảnh hưởng của những trải nghiệm đau khổ hiển hiện trong cuộc sống.
Nó còn khiến ta quên đi những gì cha mẹ đã làm và cho phép ta tiếp tục tôn
thờ họ.
Cảm giác thanh thản đến từ việc phủ nhận thường chỉ là trạng thái tạm
thời, còn cái giá phải trả cho nó lại quá đắt. Sự phủ nhận là thứ giúp đè nén
áp lực cảm xúc trong ta: càng cố che đậy thì áp lực càng lớn. Sớm hay
muộn, nó cũng đạt đến giới hạn và ta sẽ gặp phải những cơn địa chấn cảm
xúc. Khi chuyện đó xảy ra, chúng ta phải đối mặt với những gì mình đã hết
sức né tránh, và giờ đây ta phải đối mặt trong trạng thái cực kỳ căng thẳng.
Nếu ta có thể xử lý sự phủ nhận này trước, ta có thể tránh được khủng
hoảng bằng cách mở nắp van và để chúng tuôn ra dễ dàng.
Đáng tiếc là sự phủ nhận của riêng bạn không phải là sự phủ nhận duy
nhất mà bạn phải đương đầu. Cha mẹ bạn cũng có hệ thống phủ nhận của
riêng họ. Khi bạn nỗ lực xây dựng lại sự thật về quá khứ của mình, đặc biệt
khi sự thật đó phản ánh một cách tồi tệ về cha mẹ, cha mẹ bạn có thể sẽ
khăng khăng “đâu có tệ đến thế”, “mọi chuyện không phải như con nghĩ”,
hay thậm chí là “chuyện đó chưa từng xảy ra.” Những lời tuyên bố đó có
thể rút cạn mọi nỗ lực xây dựng lại lịch sử cá nhân của bạn, khiến bạn phải
tự đặt câu hỏi về những ấn tượng và ký ức của bản thân. Họ khiến bạn mất
tự tin trong việc nhận thức thực tế, khiến cho việc xây dựng lại lòng tự
trọng trở nên khó khăn hơn.
Sự phủ nhận của Sandy lớn đến nỗi không những cô không nhìn ra
thực tại của bản thân, mà còn không nhận thức được rằng có một thực tại
khác cần khám phá. Tôi đồng cảm với nỗi đau của cô, song tôi buộc phải
khiến cô xem xét đến khả năng rằng cô đã mang những hình ảnh lỗi về cha
mẹ mình. Tôi cố gắng nói nhẹ nhàng nhất có thể:
Tôi tôn trọng việc cô yêu thương cha mẹ mình và việc cô tin họ là
những người tốt. Tôi nghĩ rằng họ đã làm nhiều điều tốt đẹp cho cô