Khi một thành viên mới gia nhập nhóm, chúng tôi sẽ bắt đầu buổi trị
liệu bằng một bài tập khởi đầu trong đó mỗi thành viên trong nhóm kể về
trải nghiệm bị lạm dụng tình dục trong quá khứ của mình: chuyện đó xảy ra
với ai, liên quan đến điều gì, khi nào bắt đầu, kéo dài trong bao lâu, và
ngoài họ ra ai là người biết được điều đó. Thành viên mới là người cuối
cùng kể câu chuyện của họ.
Những sự trợ giúp ban đầu này giúp phá vỡ tảng băng bên trong bạn,
giúp bạn tham gia nhóm theo cách chủ động. Bạn sẽ nhận ra có lẽ đây là
lần đầu tiên mình kể về trải nghiệm của bản thân một cách chi tiết đến vậy.
Bạn sẽ biết được rằng mình không đơn độc, rằng những người khác cũng
đã trải qua những chấn thương tương tự.
Bài tập khởi đầu của bạn cũng góp phần vào quá trình “giảm đau” từ
từ của các thành viên khác trong nhóm. Mỗi lần có thành viên mới gia nhập
nhóm, các thành viên cũ sẽ phải lặp lại những điều đã từ lâu chưa được nói
ra. Càng lặp lại nhiều thì mọi người trong nhóm sẽ càng bớt cảm thấy nhục
nhã và tội lỗi. Lần đầu tiên với ai cũng đều khó khăn. Sẽ có những giọt
nước mắt và sự ngượng ngùng xuất hiện. Lần thứ ba, thứ tư thì trải nghiệm
đó bắt đầu được nói ra dễ dàng hơn, và sự ngượng ngập lắng dần xuống.
Cho đến khi một người kể câu chuyện của họ mười hay mười hai lần, thì nó
cũng chỉ giống như một trong những sự kiện không mấy vui vẻ khác trong
cuộc đời mà thôi.
Các Giai Đoạn Điều Trị
Hướng điều trị các nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục trải qua ba
giai đoạn: phẫn nộ, đau buồn và giải phóng.
Phẫn nộ là nỗi giận dữ sâu sắc nảy sinh từ những cảm xúc bị xâm
phạm và phản bội trong sâu thẳm bên trong mỗi người. Nó là phần thiết yếu
đầu tiên trong quá trình điều trị và là phần khó khăn nhất.