Trong bức thư đầu tiên (gửi kẻ xâm hại), tôi muốn bạn xả ra hết những
phẫn nộ đã kìm nén bấy lâu. Dùng những cụm từ như “sao ông/bà dám...”
và “sao ông/bà nỡ lòng...” nhiều nhất có thể. Những cụm từ đó sẽ giúp bạn
liên hệ với cơn phẫn nộ dễ dàng hơn.
Khi tôi gặp Janine lần đầu, một phụ nữ 36 tuổi tóc vàng, nhỏ nhắn và
dịu dàng, cô hiếm khi nói lớn tiếng. Cha cô đã quấy rối cô từ năm cô 7 tuổi
đến 11 tuổi - dù vậy cô vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó sẽ có được tình
yêu của cha. Cô vô cùng lưỡng lự khi thừa nhận sự phẫn nộ bên trong với
ông. Cô khóc suốt quãng thời gian đầu trị liệu và có vẻ không thoải mái khi
tôi bảo cô viết một bức thư cho cha mình. Tôi khuyến khích cô dùng bức
thư để bộc lộ sự phẫn nộ với cha khi đã gây ra những tổn thương với cô.
Tôi nhắc lại rằng cha cô không nhất thiết phải đọc được bức thư này.
Từ quá trình trị liệu cùng nhau, tôi dự đoán bức thư đầu tiên của
Janine sẽ có nhiều ngập ngừng cùng những suy nghĩ ước ao. Chính vì thế
mà tôi đã có một bất ngờ.
Gửi cha,
Ông chẳng tốt đẹp lắm đâu và ông chỉ trở thành cha tôi vì đã bắn tinh
trùng vào mẹ tôi một đêm nào đó. Tôi ghét ông và tôi thương hại ông.
Tại sao ông dám xâm phạm đến đứa con gái nhỏ của mình?
Lời xin lỗi của tôi đâu, thưa cha? Trinh tiết của tôi đâu? Lòng tự trọng
của tôi đâu?
Tôi chẳng làm gì để khiến ông ghét tôi. Tôi không chủ ý khiến ông rạo
rực. Những cô bé đều xinh xắn phải vậy không? Có phải những khuôn
ngực mới nhú khiến ông thèm muốn không, đồ khốn? Lẽ ra tôi nên
nhổ vào ông. Tôi ghét bản thân vì không đủ can đảm để chống lại ông.
Sao ông dám dùng sức mạnh của một người cha để cưỡng hiếp tôi?
Sao ông dám khiến tôi đau đớn? Sao ông dám không nói chuyện với
tôi?