Janet đã dũng cảm đối mặt với một hệ thống của sự bạo hành và chịu
đựng bén rễ từ rất lâu trong gia đình cô ấy. Bằng cách thay đổi hành vi và
đặt ra những giới hạn đối với sự bạo hành về tinh thần từ chồng mình, Janet
đã đặt một bước đi lớn để đảm bảo rằng con cái của cô sẽ thoát khỏi quyền
lực chi phối của di sản gia đình. Cô ấy đang phá vỡ vòng luẩn quẩn này.
Cụm từ “phá vỡ vòng luẩn quẩn” ban đầu được tạo ra liên quan đến tệ
nạn bạo hành trẻ em, đó là việc ngăn một đứa trẻ bị bạo hành khi lớn lên trở
thành kẻ bạo hành con cái chúng. Nhưng tôi đã mở rộng cụm từ này ra để
bao hàm tất cả các hình thức bạo hành khác.
Đối với tôi, để phá vỡ vòng lặp thì cần phải ngừng hành động như một
nạn nhân, hoặc ngừng hành động giống như người cha mẹ vũ phu hoặc yếu
đuối của bạn. Bạn không còn đóng vai một đứa trẻ vô dụng và dựa dẫm đối
với người bạn đời, với con cái, bạn bè, đồng nghiệp, những người có quyền
lực và cha mẹ bạn nữa. Và bạn cần tìm sự giúp đỡ khi bạn thấy mình đang
làm hại nửa kia hay con cái của mình đến mức bản thân cảm thấy hổ thẹn.
Mặc dù thay đổi xuất phát từ nơi tự thân bạn, nhưng bạn sẽ thấy tác dụng
của nó lan tỏa rộng hơn bạn nghĩ. Bằng cách phá vỡ vòng lặp, bạn đang bảo
vệ con cái mình khỏi những niềm tin, luật lệ và kinh nghiệm độc hại, những
điều có thể đã tô quẹt nên tuổi thơ của bạn. Bạn có thể đang thay đổi cách
tương tác trong gia đình chú trọng hơn vào lứa tuổi thơ. Thay đổi quy luật
tương tác trong gia đình cho nhiều thế hệ tiếp theo.
“TÔI CÓ THỂ Ở BÊN CẠNH CON TÔI”
Một trong những cách tốt nhất để phá vòng luẩn quẩn này đó là hãy hạ
quyết tâm hỗ trợ tinh thần cho con cái mình thường xuyên hơn việc cha mẹ
bạn đã ở bên bạn.
Melanie đã nhận ra rằng cô không được hưởng sự quan tâm và chăm
sóc của cha mẹ không có nghĩa là cô không thể cho con có những điều đó.