CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 58

6. Tự tôn và ý thức kiềm chế

Khen hay không khen

Đứa con sáu tuổi của bạn vẽ hình một con chó. Khi bé khoe với bạn, bạn nói: “Đẹp lắm. Con đúng là
một họa sĩ thực thụ”.

Đứa con mười tuổi của bạn đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi toán. Bạn nói: “Con thật là thông minh”.

Đứa con mười hai tuổi của bạn ghi được bàn thắng cho đội bóng ngay trong trận đầu tiên ra quân.
Bạn nói: “Giỏi lắm! Mẹ rất tự hào về con”.

Những phản ứng như vậy đều rất tự nhiên. Khi nhìn thấy con mình tự hào với thành tích đạt được,
chúng ta cũng cảm thấy tự hào theo. Chúng ta muốn củng cố hành vi của con. Điều đó giúp trẻ có
động cơ để tiếp tục cố gắng và kiên trì theo đuổi mục tiêu.

Nhưng kiểu khen này có thật sự khiến con bạn cảm thấy thoải mái? Câu trả lời hơi phức tạp so với
những gì bạn mong đợi.

Một mặt, tất nhiên là có. Chúng ta ai cũng muốn được khen, và trẻ em cần phải có đánh giá đúng
đắn về những thành tựu của mình.

Nhưng khen quá nhiều sẽ phản tác dụng. Thay vì cảm thấy tự hào về bản thân, trẻ sẽ trở nên lo
lắng hơn. Giả sử Jamal được 10 điểm trong kỳ thi toán, và bố mẹ bé nói những câu đại loại như:
“Con thật là thông minh. Bố/mẹ rất tự hào về con”. Thật là khó để đáp ứng được điều đó. Có thể bé
sẽ nảy sinh lo lắng vì những gì bố mẹ mong đợi ở mình và nghĩ: “Điều gì sẽ xảy ra nếu lần sau mình
chỉ được 9 điểm, hoặc 8 điểm? Liệu bố mẹ có còn nghĩ là mình thông minh nữa hay không?”

Một bà mẹ nói với tôi: “Khi tôi còn bé, bố mẹ tôi luôn khen tôi thông minh, xinh đẹp và sáng tạo.
Năm tôi lên mười, tôi rất sợ phải thử làm một điều gì đó mới mẻ. Tôi chỉ quanh quẩn với những gì
mình có thể làm được. Như vậy bớt rủi ro hơn nhiều. Tôi sợ rằng mình sẽ thất bại và sẽ xấu hổ với
bản thân mình, sợ làm bố mẹ thất vọng nữa”.

Trẻ em rất nhạy cảm với những gì mà các em coi là giả dối. Khi bạn nói với con: “Con là một họa sĩ
thực thụ”, bạn nói thật lòng mặc dù có thể hơi quá một chút. Nhưng trẻ em lại hiểu rất thật. Con
bạn có thể sẽ nghĩ thầm: “Mẹ nói gì thế nhỉ? Mình biết thế nào là hoạ sĩ mà – họ vẽ tranh trong
sách. Mình đâu có giỏi được như thế!” Sau đó, con bạn sẽ chẳng còn tin vào những gì bạn nói nữa.

Nhưng có lẽ vấn đề đáng suy nghĩ nhất đối với việc khen quá nhiều là trẻ bắt đầu thể hiện chỉ để
làm hài lòng bạn thay vì làm hài lòng bản thân. Trẻ bị thúc đẩy bởi những tác động bên ngoài như
lời khen của bạn hơn là bởi khát vọng làm thật tốt hay niềm vui được làm việc đó.

Sau đây là một số cách nói chuyện về những thành tựu của bé để bé cảm thấy mình đang được tán
thưởng:

“Con thật sự vất vả đấy. Con cảm thấy thế nào về việc con vừa làm?”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.