CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 56

Hầu như chắc chắn rằng càng dành nhiều thời gian tiếp xúc với một đứa trẻ tàn tật, con bạn càng
cảm thấy thoải mái. Khi trẻ em bắt đầu quen biết nhau và vui chơi cùng nhau, các em sẽ nhận ra
những điểm tương đồng. Ở Philadelphia có một chương trình được lập ra để thúc đẩy việc này.
Học sinh lớp ba và lớp bốn của Trường Trẻ em liệt não (HMS) được phân thành cặp với học sinh
Trường Bằng hữu Germantown (GFS), một trường học độc lập của tổ chức Quaker, để chuẩn bị
tổng duyệt cho buổi biểu diễn văn nghệ. Mindy Olimpi, điều phối viên các dịch vụ học sinh HMS,
cho biết: “Mối quan hệ này giúp trẻ thấy được những gì trẻ em tàn tật có thể làm được, chứ không
chỉ tập trung vào những gì các em không làm được”.

Khi tham gia buổi tổng duyệt, tôi đã thấy trẻ em ở hai trường gắn kết và hợp tác với nhau như thế
nào. Các em ngồi xe lăn quay xe theo tiếng nhạc, đôi khi được các em bình thường giúp đỡ, đôi khi
tự làm lấy; các em cũng hát, hoặc nếu không hát được thì tạo ra âm thanh bằng một loại thiết bị hỗ
trợ giao tiếp. Nhưng tôi ngạc nhiên không phải vì những gì các em làm được. Tôi ngạc nhiên vì
nhìn thấy nụ cười của các em và vì cái cách mà các em gắn kết với nhau. Tôi có thể cảm nhận được
mối thân tình giữa từng đôi bạn và ý nghĩa của mối thân tình đó với các em.

Nhưng không phải đơn giản mà có được mối thân tình đó. Erica, một học sinh mười tuổi của
trường GFS, cảm thấy “ban đầu hơi sợ một chút”, nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra rằng các bạn
HMS “ngày nào cũng phải đối mặt với khó khăn. Các bạn nhìn người khác và nghĩ ‘mình không thể
nào làm được những gì mọi người làm’. Điều đó chắc rất khó. Bây giờ, cháu đã thấy bớt sợ hơn”. Bé
hiểu rằng các bạn HMS có thể làm được nhiều việc, chẳng hạn như vẽ tranh trong lớp mỹ thuật,
nếu không vẽ được bằng tay thì vẽ bằng ngón chân. Hầu hết học sinh HMS đều biết đọc và biết
đếm. Bé cũng học được cách đánh giá những việc mình làm và hiểu được các bạn cùng lớp cảm
thấy thế nào trong lúc đùa vui.

Học sinh HMS cũng hiểu được những điều này. Bé Rhonda mười hai tuổi cảm thấy hơi căng thẳng
khi các bạn GFS đến thăm, bởi vì “ban đầu cháu không biết là các bạn ấy có thích cháu hay không”.
Nhưng sau khi nói ra cảm giác của mình, bé bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn. Bé thích buổi giao lưu
bởi vì “cháu được tham gia vào một cái gì đó và hòa đồng hơn một chút”. Với nụ cười chiến thắng
trên môi, Rhonda nói tiếp: “Cháu thích buổi văn nghệ này và cháu thích hát, thích khiêu vũ”. Nhưng
điều quan trọng nhất là: “Bọn cháu có thể làm mọi việc như những người khác. Chúng cháu là
người bình thường”.

Với xu hướng các lớp học mở rộng giao lưu ra toàn quốc, rất có khả năng con bạn hàng ngày tiếp
xúc với một người bạn tàn tật, về thể chất hoặc thần kinh. Để giúp trẻ quan tâm và cảm thấy thoải
mái, bạn có thể đặt ra những câu hỏi như sau:

“Con nghĩ bạn ấy nghĩ gì khi đến trường?”

“Các bạn trong lớp đối xử với bạn ấy thế nào?”

“Con nghĩ bạn ấy cảm thấy thế nào về điều đó?”

“Con sẽ làm gì hay nói gì nếu bạn ấy cần được giúp đỡ?”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.