CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 55

Khi Jamie đồng ý, họ mang số đồ chơi đến một cửa hàng ký gửi.

Nếu số đồ chơi được bán đi, họ sẽ quay lại cửa hàng lấy hóa đơn, đến ngân hàng và gửi chỗ tiền đó
vào tài khoản của Jamie. Bố mẹ bé đã giải thích với bé về việc tiết kiệm tiền để chi tiêu vào những
khoản bé muốn bây giờ hoặc sau này.

Họ bắt đầu làm vậy từ khi Jamie lên sáu tuổi. Điều tôi đặc biệt thích ở kế hoạch này là nó không chỉ
dạy cho Jamie về việc tiết kiệm tiền và chuẩn bị cho tương lai mà còn giúp bé hiểu được ý nghĩa
của việc san sẻ cho người khác.

Có nhiều cách để giúp trẻ suy nghĩ về việc kiếm tiền, tiết kiệm và giúp đỡ người khác. Thông
thường, các kỳ nghỉ chính là thời điểm tốt trong năm để khích lệ nếp suy nghĩ này ở trẻ. Nếu con
bạn, giống như Jamie, đã quen với ý nghĩ quay vòng đồ chơi thì sẽ rất đơn giản khi đề nghị bé đem
hiến tặng quần áo cũ cho một tổ chức nào đó đang cần, hoặc bé tự mình đề xuất với cả lớp mang
đến một chiếc can và quyên góp cho phòng thực phẩm địa phương. Bất kể con bạn quyết định làm
việc gì, bạn cũng nên nói chuyện về người mà bé đang giúp đỡ. Có thể bạn sẽ trò chuyện về việc tại
sao một số người lại phải ngồi xe lăn, hoặc tại sao một số người lại cần được tặng quần áo từ
những người không quen biết. Thậm chí bạn còn có thể nói về việc tại sao lại có người vô gia cư.

Hãy để con bạn tự đề xuất những người cần giúp đỡ và tại sao họ lại cần được giúp đỡ. Loại hình
trò chuyện này sẽ giúp bé thấu hiểu tốt hơn – đây là khả năng quan tâm chân thành đến những ai
kém may mắn hơn. Và không có trẻ em nào là quá bé bỏng trong vấn đề này cả. Ngay cả một đứa
trẻ bốn tuổi cũng vẽ được một bức tranh đặc biệt để tặng cho người thân đang nằm viện. Bạn nên
trò chuyện với con mình về sở thích của mọi người, hoặc về công việc, hoặc về món ăn ưa thích.
Khi đó, con bạn có thể nghĩ xem nên viết hay vẽ gì cho họ, dù chỉ nguệch ngoạc vài nét.

Vào một kỳ nghỉ, đứa cháu họ lên bảy tuổi của tôi tặng cho tôi một món quà. Vì biết tôi thích tennis,
cháu viết cho tôi câu chuyện sau: “Mơ ước thầm kín của Myrna là được trở thành quả bóng tennis,
nhưng bạn ấy lại sợ đau mỗi khi bị vụt trúng. Vì vậy, bạn ấy đã làm một quả bóng tennis thật lớn để
có thể chứa bạn ấy vào trong, nhờ vậy bạn ấy sẽ không bị đau mỗi khi bị vụt trúng. Sau đó, bạn ấy
gặp một người đàn ông trong bộ đồ hình chiếc vợt tennis, và từ đó họ chơi cùng nhau suốt đời”.

Câu chuyện này rất có ý nghĩa với tôi, bởi vì tôi biết cháu đang nghĩ về mình.

Trẻ em cảm thấy hạnh phúc khi biết rằng người khác xúc động với món quà mà các em tặng. Và
bạn cũng sẽ tự hào về con mình.

Giúp con biết thông cảm với người tàn tật

Có thể con bạn biết đứa bạn học cùng lớp hoặc hàng xóm bị tàn tật về thể chất hoặc về thần kinh.
Bé có thấy vô cảm khi nhìn thấy một đứa trẻ phải ngồi xe lăn hoặc chống nạng hay không? Bé có
nhìn chằm chằm vào một người nào đó đang có những hành vi không thể kiểm soát được, ví dụ
như co giật các cơ? Hoặc con bạn có dửng dưng trước những hiện tượng đó không? Bé có muốn
làm bạn với đứa trẻ tàn tật không?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.