CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 84

Nếu Joanna vẫn tiếp tục thổi, mẹ bé có thể chỉ cần tịch thu chiếc còi để được nhẹ đầu. Thậm chí, chị
có thể cho con gái biết mình giận dữ đến mức nào. Theo quan điểm của tôi, cha mẹ có thể nói rằng
họ giận dữ mỗi khi họ cảm thấy như vậy. Không nói mới là điều bất bình thường. Hơn nữa, trẻ có
thể học cách đối mặt với loại cảm xúc như giận dữ. Nhưng ngay cả khi chiếc còi ở ngoài tầm tay, mẹ
vẫn có thể sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề để nói chuyện với Joanna nhằm khuyến khích
con gái trở nên ý tứ hơn với người khác.

Để Annie và Joanna thay đổi hành vi, cần phải mất nhiều thời gian. Nhưng trong lúc yêu cầu trẻ tìm
cách khác để nói chuyện với chúng ta mỗi khi các em than vãn, đòi hỏi hay lờ chúng ta đi, chúng ta
cũng phải yêu cầu bản thân tìm cách khác để nói chuyện với trẻ, thay cho những câu như “Đừng có
nói giọng đó với mẹ!”, “Cứ chờ đến lúc bố về!” hoặc “Mẹ đang nói chuyện với bức tường à?!”

Lần khân: Ngang bướng hay sao nhãng?

“Không phải bây giờ ạ”.

“Một phút nữa thôi ạ”.

“Để sau ạ”.

Nhiều trẻ em dùng những từ này quá thường xuyên mà không nhận ra. Các bậc cha mẹ than phiền:
“Con tôi không bao giờ làm điều mà tôi bảo cả. Chúng cứ khất lần khất lữa, dù là lúc chuẩn bị đến
trường hay đi ăn tối ở nhà bà nội”.

Cảnh này có quen với bạn không? Đã bảy rưỡi sáng, con bạn vẫn đang hì hục đánh răng, mặc dù lẽ
ra đây là lúc ăn sáng. Bạn sẽ phải chạy như điên để bắt kịp chuyến xe buýt đến trường. Bạn cực kỳ
căng thẳng và bực bội. Và bạn biết rằng trẻ cố tình chậm trễ như vậy chỉ nhằm trêu tức bạn.

Bạn không còn kiên nhẫn nữa: “Nếu con không sẵn sàng trong năm phút nữa, mẹ sẽ bỏ mặc con ở
nhà đấy”. Nhưng làm vậy có ích gì không?

Nhiều bậc cha mẹ đương nhiên coi việc con cái phản ứng chậm chạp là biểu hiện của sự ngang
bướng hay chống đối. Có phải các chiến lược trì hoãn lúc nào cũng là điển hình của việc thử thách
sức chịu đựng? Có phải trẻ em luôn tìm cách kiểm soát tình thế? Trẻ có cố tình chọc tức bạn hay
không? Có phải hành vi của trẻ luôn như những gì chúng thể hiện?

Có lẽ là không. Có thể con bạn không cố tình cãi lại bạn mà đang bị phân tán bởi một thứ khác như
ti vi, anh chị em, điện thoại, hoặc thiếu tập trung. Hoàn toàn có thể là trẻ không biết, hoặc không
quan tâm đến thời gian và sự cấp thiết phải hoàn thành kế hoạch. Chẳng hạn, nếu bạn nói với đứa
con năm tuổi rằng bé còn năm phút nữa để mặc xong quần áo, điều này sẽ chẳng có chút ý nghĩa
nào cả, và nếu có đi chăng nữa thì bé cũng chẳng nghĩ cần phải gấp đến thế.

Bạn cũng nên nhớ rằng trẻ em ít tuổi cần rất nhiều thời gian để xỏ chân vào ống quần, chỉnh lại tất
và buộc dây giày. Các em không hề lần khân: các em đang luyện tập những kỹ năng mới. Nếu bạn
hối thúc, trẻ sẽ không còn cảm thấy tự hào về thành tựu thật sự của bản thân nữa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.