CHA MẸ GIỎI CON THÔNG MINH - Trang 93

Nếu phạt cách ly nhằm mục đích tạo ra một khoảng thời gian để trẻ bình tĩnh, thì tác dụng nó mang
lại rất lớn. Khi bình tĩnh lại, thường thì người ta sẽ dễ nói chuyện về sự việc dẫn tới bất đồng và
chuyển sang đề tài ai làm gì với ai.

Nhưng phạt cách ly có thể bị lạm dụng. Điều này xảy ra khi phạt trẻ trước mặt người khác khiến
trẻ cảm thấy bị xúc phạm. Trong hoàn cảnh này, thời gian trẻ bị cách ly cũng chính là thời gian cảm
giác giận dữ và thất vọng tích tụ, thường là đến đỉnh điểm.

Phạt cách ly cũng bị dùng sai nếu được thực hiện trước các bậc cha mẹ hiểu ra bản chất của vấn đề.
Mẹ của bé Austin năm tuổi phạt bé cách ly vì tội không chịu dọn bàn sau khi ăn tối. Chị nghĩ đó là
biểu hiện của tính bướng bỉnh. Một hôm, trước khi phạt bé cách ly thêm một lần nữa, chị hỏi tại
sao bé không muốn giúp mẹ bê bát đĩa, bé nói: “Vì bát đĩa sẽ rơi vỡ mất”. Như vậy, mẹ Austin hiểu
rằng không phải bé trốn việc nhà mà bé chỉ không dám làm công việc này thôi. Khi chị hỏi Austin
xem bé muốn giúp mẹ làm việc gì trong nhà, bé đã nhận việc gấp quần áo. Mẹ Austin nhận ra chị đã
sử dụng hình phạt cách ly quá sớm khi chưa biết nguyên nhân thật sự tại sao con mình không chịu
làm.

Đôi khi, cách ly còn được sử dụng – dù là không hiệu quả − như một hình thức trừng phạt. Chẳng
hạn, khi David và Sam giành nhau chiếc xe tải, mẹ thường bắt cả hai đứa ngồi yên ở ghế, hy vọng
các con sẽ bình tĩnh lại. Nhưng ngược lại, một đứa hét lên còn đứa kia kêu: “Con không muốn bị
phạt thế này”. Trong trường hợp này, biện pháp cách ly đã tách hai cậu bé ra khỏi món đồ chơi, ra
khỏi vấn đề cần giải quyết, và ra khỏi nhau. Nếu các em có nghĩ được điều gì đi chăng nữa, thì đó là
được trở lại với nhau, hoặc bên mẹ. Thời gian cách ly chẳng thay đổi được điều mà các em cảm
thấy trong lòng. Nếu có, nó chỉ làm cho các em cảm thấy tình hình xấu đi mà thôi. Các em có đủ thời
gian để khơi dậy cảm giác bị tổn thương trong mình, chứ không đủ để nghĩ cách giải quyết vấn đề.

Sau khi mẹ của David và Sam học được phương pháp giải quyết vấn đề, chị đã hỏi xem từng đứa
cảm thấy thế nào, và có thể nghĩ ra cách nào khác để giải quyết vấn đề hay không. David nhìn Sam,
im lặng một lúc rồi nói: “Em có thể chơi chiếc xe trước, nhưng bao giờ đến lượt anh thì anh sẽ bảo
em và em phải trả lại cho anh đấy”.

Sam hài lòng với giải pháp này. David đưa xe cho em, cả hai đều mỉm cười và thế là xong chuyện.
Không cần phải dùng đến quyền lực, không có ai kêu khóc, và không nảy sinh suy nghĩ “báo thù”
trong lòng. Nó chứng tỏ là một giải pháp hiệu quả và đặc biệt sáng tạo, trong điều kiện lũ trẻ còn
quá bé: David chỉ mới năm tuổi, còn Sam vừa lên ba.

Cũng như các công cụ khác, biện pháp cách ly chỉ phát huy hiệu quả khi được sử dụng hợp lý,
nhằm làm dịu cơn tức giận. Nó không thay thế được phương thức giao tiếp tốt và học cách giải
quyết rắc rối.

Trẻ em sẽ hiểu nhiều hơn về bản thân và về người khác khi tự mình nói ra mọi chuyện và giải
quyết vấn đề.

Đánh con hay không?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.