“Hơn hai năm,” thầy nhẹ nhàng đáp nhưng mắt vẫn dán vào nhà
chính, như đang nhìn ngắm hay chờ đợi điều gì.
“Ở đây cũng ấm cúng đấy chứ,” tôi nói thêm trong khi tới ngồi xuống
chiếc sofa đã sờn rách.
“Con tự lấy nước uống nhé.” Thầy quay lưng lại cửa sổ chỉ mấy chai
nước trên cái tủ chén dài kê sát tường. “Nước mưa. Thầy tự trữ lại đấy.”
Tôi đi tới rót hai cốc nước. Thầy Wa-thin đi vào phòng ngủ và ngay
sau đó quay ra mang theo cây vĩ cầm. “Thử tập đi,” thầy bảo rồi lại đi về
phía cửa sổ.
“Thôi thầy ạ.” Tôi lắc đầu. “Con thích nghe thầy chơi hơn.”
“Bài gì bây giờ nhỉ?” thầy vừa hỏi vừa đưa vĩ cầm lên vai. “Ồ, biết rồi.
Thầy sẽ chơi bài mà con thích.”
Giai điệu nao lòng của “Cây bồ đề buông mành” ngân lên. Thầy Wa-
thin quay người khiến tôi thấy khuôn mặt nghiêng nghiêng của thầy. Chốc
chốc thầy lại ngước lên khỏi cây đàn, đôi mắt trống rỗng đăm đăm nhìn
ngôi nhà kia. Nắng chiều tràn ngập phòng tô điểm gò má cao, đôi mắt sâu
và cái cằm tròn mạnh mẽ đầy tương phản của thầy.
Sau lần ấy tôi vẫn đến thăm thầy thường xuyên kể cả khi đã về ở với
mẹ và Ning. Gần như lần nào cũng vậy, thầy sẽ chơi “Cây bồ đề buông
mành” cho tôi nghe, nhưng thầy luôn ngừng giữa bài như thể đã hết hy
vọng hay hứng thú. Và tôi để ý thấy rằng vào những ngày có một bóng
người thấp thoáng sau rèm cửa sổ trắng nhà mình, trong căn phòng nằm
ngay đối diện với phòng khách của thầy, thầy sẽ chơi nhạc với sự mê say lạ
thường như thể muốn tỏ bày hết nhịp đập con tim mình qua giai điệu.
Nhiều năm sau tôi mới biết chuyện gì xảy ra trong căn nhà thuê nhỏ bé
giữa vườn chuối đó. Tôi vẫn hay nghĩ về thầy Wa-thin cùng những khúc