Phép tĩnh tọa là nhắm vào làm thế nào động viên hết năng lực cho tế bào
sống dậy và bài tiết chất độc còn thừa.
Trong cơ thể chúng ta, đại khái nói theo kiểu rờ đụng thấy được của khoa
học, có 6 phần là: Thán, Khinh, Đạm, Dưỡng, Lưu, Lân (CHOSP). Nếu nói
theo Á Đông, những phần ghi nhận được là 6 khí: Phong, Hàn, Thấp, Táo,
Hỏa, Nhiệt cũng thế thôi, không thể thiếu, không thể dư.
Thí dụ: Nếu thiếu khí than để sưởi ấm, thì làm cho chúng ta dễ ngủ gà ngủ
gật, như những người tuổi trẻ uống nước đá, ăn đồ lạnh nhiều quá. Đến
chừng mập chảy ra như một cái bị, nằm đâu ngủ đó, và sự khôn ngoan lanh
lợi cũng theo đó mà biến mất. Ngược lại ăn nhiều chất thịt cũng như các vị
đắng, mặn, nồng thái quá, nó xông lên óc để xung động, làm cho tâm chúng
ta lăng xăng hết chuyện này đến chuyện khác, dễ mừng, dễ giận, dễ thương
dễ ghét một cách tai hại vô cùng, không thể nào nhìn thấy rõ một sự việc.
Hơn nữa, giờ đây là lúc vận thế quả cầu đang hồi xuống dốc, cũng như
nửa đời người về sau. Chúng ta bám vào địa cầu mà tồn tại, trong vô ý thức,
tất cả phải chịu chung ảnh hưởng, cộng thêm sức phát triển của kỹ nghệ,
nhất là kỹ nghệ lạnh, làm cho chúng ta bị lệch hẳn về phần âm. Xưa kia rất ít
người còn trẻ mà sớm mập, và người ta quan niệm còn nhỏ mà mập là
không thọ. Cũng như loài cây theo luật tự nhiên, lúc nhỏ phải lớn chiều cao,
đến khi hết sức cao mới nở chiều ngang. Con người cũng thế, còn nhỏ mà đã
mập phì rồi có khác nào cây chưa lớn đã vội đâm nhánh. Thân đã thế, thì
tâm cũng chính vì thế mà trở nên mất chiều cao, bơ vơ không tự chủ được
để xảy ra lắm điều rối ren trong xã hội. Một em bé từ nhỏ đã uống nhiều
nước đá, đến 12-13 tuổi đã nhìn đời bằng cặp mắt u sầu, chạm đến là chực
muốn tự tử. Nếu cha mẹ uống nước đá nhiều quá thì đứa con sinh ra càng
sớm biết buồn chán hơn.
Cơ thể con người đối với các tạng phủ bên trong tựa hồ như một cái cân
năm cánh, lúc nào cũng phải quân bình. Nếu có phần nào chênh lệch, đều là
không phải bình thường. Phép tĩnh tọa là để lấy lại quân bình cho cơ thể, và
đem lại nguyên vẹn sự minh mẫn, bén nhạy cho tâm hồn.
b. Tĩnh tọa được kết quả gì?