hành “tìm diệt” chủ lực ta vì địch phát hiện sư đoàn 9 đang đứng chân ở
vùng này.
Vì thế khi Sư đoàn 9 nổ súng đánh Bầu Bàng (5 giờ ngày 12 tháng 11)
thì máy bay B.52 Mỹ trải thảm trên đường Bầu Lồng - Căm Se - Thị Tính,
dọn đường cho bộ binh vào Dầu Tiếng. Khi cụm quân Mỹ ở Bầu Bàng bị ta
loại khỏi vòng chiến đấu, thì cánh quân Mỹ từ Lai Khê vận động lên phía
bắc tạm thời dừng lại sau đó tiếp tục nhiệm vụ giải tỏa Dầu Tiếng và “tìm
diệt” chủ lực ta ở đây. (Lúc này ở khu vực Dầu Tiếng ngoài Trung đoàn 3,
còn có tiểu đoàn địa phương và cơ quan huyện ủy Dầu Tiếng.)
Do phán đoán đúng ý định của quân Mỹ lên Bầu Bàng, tôi đề xuất và
được các anh trong Bộ tư lệnh sư đoàn đồng ý là huy động toàn bộ lực
lượng sư đoàn vào trận đầu, điều gấp Trung đoàn 3 từ Dầu Tiếng ra, trung
đoàn 1 từ Đất Cuốc về, vì thắng trận Bầu Bàng đã làm đảo lộn ý định của
địch, tạo đà cho các trận đánh tiếp sau của ta.
Trận đánh Bầu Bàng đã đạt được các yêu cầu của sư đoàn đề ra. Nhưng
kẻ địch còn chủ quan, không cam chịu thất bại. Tuy ta có làm chậm tiến độ
hành quân của địch, buộc chúng phải điều chỉnh lực lượng, nhưng Dầu
Tiếng vẫn là mục tiêu hành quân “tìm diệt” của sư đoàn 1 “Anh cả đỏ”.
Từ nhận định trên, chúng tôi gấp rút điều chỉnh lực lượng, điều chỉnh
nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị, tạo thế và cài thế để thực hiện chủ động,
liên tục tiến công địch sau trận Bầu Bàng.
Ngay khi Bầu Bàng chưa kết thúc, sư đoàn lệnh cho trung đoàn 1 từ Đất
Cuốc hành quân về gấp lót ổ ở làng 14; đưa trung đoàn 2 về phục sẵn ở
Căm Se vì địch có thể lợi dụng con đường này hành quân bằng cơ giới vào
Dầu Tiếng; trung đoàn 3 về đứng chân ở khu vực làng 10 làm lực lượng dự
bị.