Các trận đánh diễn ra theo kế hoạch chủ động và liên tục trong thế trận
bày sẵn: sau Bầu Bàng là trận Căm Se, sau Căm Se là trận làng 10, sau làng
10 là trận làng 32, 33; sau làng 32, 33 là trận Bầu Da Dốt. Ngày 5 tháng 12,
phát hiện hai tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2, sư đoàn bộ binh số 1 (Anh cả đỏ)
đang mở đợt hành quân “tìm diệt” ở khu vực Thị Tính - Nha Mát đến Bầu
Da Dốt (xã Long Nguyên, Bến Cát), trung đoàn 2 sau trận thắng địch ở
Căm Se đã được lệnh của sư đoàn, chuyển quân gấp về đây phục sẵn, liền
nhanh chóng cắt rừng triển khai lực lượng, hình thành thế trận bao vây. Một
bộ phận vượt lên đội hình hành quân của địch chặn chúng lại, một bộ phận
khác đánh vào phía sau. Quân địch hoang mang lúng túng vì bị bất ngờ,
nhưng được hỏa lực không quân, pháo binh chi viện, địch chống trả quyết
liệt. Chúng ném cả bom bi, bom xăng để sát thương bộ đội ta, hòng tạo ra
sự ngăn cách với ta bằng hàng rào hỏa lực. Vận dụng kinh nghiệm “bám
thắt lưng địch mà đánh” trong trận Bầu Bàng, trung đoàn 2 dũng cảm, mưu
trí bám sát, đánh gần, thực hành chia cắt địch thành từng cụm nhỏ để tiêu
hao, tiêu diệt. Trận đánh diễn ra gay go quyết liệt, kéo dài từ 10 giờ đến 16
giờ cùng ngày mới kết thúc.
Trung đoàn 2 lại lập thêm chiến công mới, đánh thiệt hại nặng một tiểu
đoàn Mỹ, thu 40 súng.
Đến đây chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng đã kết thúc.
Đây là một chiến dịch có nét riêng, diễn ra trong một thời gian không
dài (mười sáu ngày), trên một không gian không rộng (quanh một khu vực
của huyện Dầu Tiếng), tương quan lực lượng trực tiếp trên chiến trường ta
không ưu thế hơn địch (địch: sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ cộng với trung đoàn
7, sư đoàn 5 ngụy; ta: sư đoàn 9 và một tiểu đoàn địa phương của tỉnh Bình
Dương).
Ta từ chuẩn bị chiến dịch tiến công chuyển sang kế hoạch phản công; từ
chuẩn bị đánh Dầu Tiếng chuyển sang đánh Bầu Bàng, phá ý định tiến công