khởi, tự tin khi được biết chiến trường Đông Nam Bộ được vinh dự nhận vị
trí hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược lần này.
Trước hết chúng tôi đều thống nhất chiến dịch mang tên người anh hùng
áo vải Nguyễn Huệ, nhằm noi gương thiên tài quân sự nổi bật của Người
qua các trận: vận động tiến công đường dài trên biển đánh thắng năm vạn
quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút, Mỹ Tho (1785); trận hành quân thần
tốc đại phá hai mươi vạn quân xâm lược nhà Thanh ở thành Thăng Long
(1798) khôi phục thống nhất đất nước sau gần một trăm năm bị Trịnh -
Nguyễn phân tranh.
Khi thảo luận về cơ chế điều hành chỉ huy, các anh trong Bộ tư lệnh đều
nhất trí chuyển tổ chức Đoàn 301 (thành lập ngày 18/3/1971 trước khi bước
vào đợt hai cuộc tiến công đánh bại cuộc hành quân “Toàn thắng 1/71”)
sang làm nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch này nhưng cần được hoàn chỉnh cơ
cấu tổ chức để phù hợp với yêu cầu mới. Thực chất đây là cơ quan chỉ huy
cấp quân đoàn để đảm bảo chỉ huy thống nhất trong điều kiện chiến đấu
hiệp đồng binh chủng theo mục tiêu và kế hoạch tác chiến chung. Đây cũng
là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành mới về tổ chức, chỉ huy và trình độ
chiến đấu. Lần đầu tiên một cơ quan chỉ huy và một lực lượng chiến đấu
cấp quân đoàn được thành lập ở chiến trường Nam Bộ.
Một nội dung cơ bản, xuyên suốt trong nghệ thuật hạ quyết tâm chiến
đấu đã được thảo luận sôi nổi, gần như không có ý kiến trái ngược nhau, mà
chỉ bổ sung những tình tiết, những lập luận làm sáng rõ, phong phú các luận
cứ nêu ra. Bởi lẽ hầu hết các anh trong Thường trực Bộ chỉ huy Miền và Bộ
tư lệnh chiến dịch từ lâu đã gắn bó với mảnh đất miền Đông, hiến trọn tuổi
trẻ cho cuộc chiến đấu nơi đây, thuộc và hiểu giá trị của từng cánh rừng,
dãy đồi, con lộ, dòng sông, bưng sóc, tư duy quân sự của các anh được tích
lũy qua trường học chiến đấu.
Việc chọn hướng tiến công được hình thành một cách hoàn chỉnh, chính
xác, cả hướng chủ yếu, thứ yếu và hướng phối hợp.