Thế là trung đội tôi bị bao vây, mất liên lạc với cấp trên từ đây. Khoảng
cách không xa, nhưng lúc đó đâu có phương tiện thông tin hiện đại như bây
giờ. Muốn tổ chức liên lạc bằng chạy bộ cũng không đơn giản. Cần người
xung phong nhận nhiệm vụ có ngay, nhưng biết chúng tôi ở đâu mà tìm.
Muốn hỏi, đi cả ngày đường cũng không tìm đâu ra người mà hỏi.
Lúc đầu anh em hoang mang, cá biệt có anh em than thở: “Thế là rắn đã
mất đầu!” Nhưng rồi chúng tôi tự chấn chỉnh, tự động viên ổn định tư tưởng
cho nhau. Ta vẫn đang tồn tại, có dân che chở, giúp đỡ, lực lượng còn và có
thêm súng so với lúc mới lên.
Từ những suy nghĩ ấy, chúng tôi xốc lại đội hình, luôn thay đổi hoạt
động, không ở đâu lâu một chỗ, không công khai đối đầu với địch, mà lúc
tập trung, lúc phân tán, nay ở Xuân Nha, Ma Téng, mai xuống Mường
Hinh, Tạ Bú, tập kích vào những đơn vị nhỏ lẻ, phục kích đón lõng đánh
các toán nhỏ tuần tra, những tốp cảnh giới những chòi gác. Cứ thế nay diệt
một tên địch, mai thu một khẩu súng, dăm chục viên đạn, vài ba quả lựu
đạn; ngày kia tiếp nhận thêm đội viên mới người địa phương tự nguyện
tham gia vì được anh em trong đơn vị tuyên truyền vận động.
Niềm vui về thành tích “năng nhặt chặt bị” này cứ ngấm dần, tạo thành
lòng tin giúp chúng tôi vượt khó khăn tiến lên.
Nhưng trung đội vẫn không quên nỗi buồn, nó cứ canh cánh bên lòng.
Đó là trường hợp anh Liêm, người con của Quỳnh Nhai, người trợ thủ đắc
lực của đơn vị những ngày đầu khi vào trận. Anh bị Tây bắt do có sự sơ
suất của chúng tôi. Hôm ấy là một ngày cuối tháng 3, đơn vị chuyển quân
đến Mường Hịch để vừa chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ nhân dân,
bảo vệ mùa màng, vừa làm công tác vận động quần chúng tham gia kháng
chiến. Theo kế hoạch toàn đơn vị ém quân ở sườn núi sau bản đề phòng
địch đánh úp, anh Liêm cùng với cơ sở địa phương vào các nhà dân giải
thích chính sách vận động quần chúng tham gia kháng chiến, ủng hộ bộ đội.
Là người địa phương, anh Liêm làm nhiệm vụ này rất có kết quả. Đi đến