đâu quần chúng cũng dễ gần, dễ trò chuyện, dễ tiếp thu những điều giải
thích rất mộc mạc dễ hiểu của anh. Trong sự che chở, đùm bọc và giúp đỡ
của nhân dân đối với đơn vị, anh là người có công lớn. Bất thần địch ập tới
(sau này tôi được biết do tên tổng đoàn đã bí mật cho người đi báo Tây) bắt
anh Liêm. Thấy động dưới bản, tôi cho đơn vị vận động xuống thấp nổ súng
tiến công, địch hoảng hốt vừa bắn trả vừa rút chạy. Linh tính biết anh Liêm
gặp nguy, tôi lệnh cho một tiểu đội rẽ trái chạy vượt lên, cứu anh Liêm.
Nhưng đã muộn, đến nơi địch rút và anh Liêm cũng không còn nữa! Đồng
bào nói Tây nó bắt cán bộ Liêm rồi. Tôi sững lại như muốn khóc. Vì mất
anh là một thiệt thòi lớn cho đơn vị lúc này. Đêm đó và cả những ngày sau,
tôi như người hụt hẫng, buồn thương nuối tiếc anh Liêm cứ luôn ở bên tôi,
nhiều đêm không sao ngủ được. Tôi tự trách mình sơ suất, nếu hôm đó tổ
chức cảnh giới tốt, có một tổ đi cùng anh Liêm thì đâu đến nỗi này! Mãi
đến năm 1990, anh Liêm từ Sơn La về Hà Nội gặp tôi, báo đã thoát tù trở
về. Gần năm mươi năm mới gặp lại nhau, cả hai đã già, đều trở thành ông
nội, ông ngoại. Nhưng những giờ phút gặp lại không ngờ này khiến chúng
tôi trẻ lại, bao kỷ niệm cũ dồn nén được bung ra, trong đó vẫn xoay quanh
những ký ức khó quên về những ngày sống ở Quỳnh Nhai. Tôi nhận lỗi do
sơ suất để anh bị địch bắt, phải sống những ngày gian truân. Anh không nói,
chỉ cười thật sảng khoái: “Gặp lại nhau thế này là quý rồi!” Đó là điều anh
đã cảm thông, gỡ cho tôi nỗi ân hận, day dứt bấy lâu.