với thực tế mà vạch định, nêu ra, từ đó có cái “cầu” dân để chúng tôi vào
tận ấp chiến lược, nằm lại dưới hầm bí mật để tuyên truyền, tổ chức.
Cơ sở cứ lan ra, rộng khắp. Phong trào đang có đà, bốn bề có địch mà
cuộc sống không thấy cô đơn, vì đâu cũng có dân đùm bọc, chở che.
Qua rất nhiều công tác, từ cán bộ cơ sở, chánh văn phòng huyện ủy,
chánh văn phòng tỉnh ủy rồi lại trở về quê hương Bù Đăng (anh xây dựng
gia đình với một phụ nữ cán bộ dân tộc Sơ Tiêng) để hôm nay được thường
vụ huyện ủy giao trách nhiệm sang báo cáo với các đồng chí trong Bộ chỉ
huy chiến dịch về kế hoạch nổi dậy phối hợp với các đơn vị trong chiến
dịch giải phóng quê hương.
Là chiến dịch mở đầu giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng,
vấn đề chính trị nổi lên như là một trong hai nội dung chính phải chuẩn bị
trước ngày N và giờ G.
Một loạt vấn đề được bàn bạc thống nhất giữa chúng tôi và các đồng chí
cấp ủy địa phương như: chuẩn bị lực lượng quần chúng, cơ sở binh vận nổi
dậy khi mũi quân sự tiến công; tổ chức sơ tán nhân dân tạm lánh ra khỏi
vùng có chiến sự, vận động nhân dân trở lại làm ăn, giữ dân lại chống âm
mưu dồn dân di tản; tổ chức cứu tế và hoạt động dịch vụ bảo đảm đời sống
nhân dân sớm trở lại bình thường; tổ chức tuần tra canh gác bảo vệ an ninh
trật tự thôn ấp xã phường. Chúng tôi đã thống nhất với anh Út Minh, quy
định chiến lợi phẩm - vũ khí quân trang quân dụng giao cho Sư đoàn 3 và
hậu cần Miền thu giữ, quản lý, phân phối phục vụ chiến đấu; gạo, muối do
ban quân quản thu giữ, quản lý, cần thiết có thể tạm vay của một số tư
thương ở thị trấn Bù Đăng để cấp phát phân phối, cứu tế nhân dân kịp thời,
đúng đối tượng hoặc bán cho những người có nhu cầu, thu được tiền trả lại
cho người vay.
Ngày 13/12/1974, công tác chuẩn bị chiến đấu của ta cơ bản hoàn thành,
các mũi các hướng đều giữ được bí mật tốt.