chiến trường, một mục tiêu quen thuộc và tinh thần chiến thắng của chiến
dịch Đường 14 - Phước Long cổ vũ, chiều 12 tháng 3, Sư đoàn 9 cùng lực
lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã hoàn thành giải phóng quận lỵ
và chi khu Dầu Tiếng.
Cùng với sức tiến công của ta ở nhiều nơi, việc mất Dầu Tiếng là sức ép
càng có uy lực trực tiếp, buộc quân đoàn 8 ngụy phải quyết định rút bỏ thị
xã An Lộc. Thừa thắng, chúng tôi dồn sức gồm Sư đoàn 9 và Trung đoàn
273 (sư đoàn 341), cùng các lực lượng binh chủng yểm trợ, có bốn khẩu
pháo 130 ly yểm trợ, mở cuộc tiến công binh chủng hợp thành. Nhưng phải
qua chín ngày chiến đấu liên tục mới giải phóng được chi khu quân sự
Chơn Thành, trong khi chi khu Dầu Tiếng mạnh hơn, ta chỉ cần có năm
mươi tám tiếng là dứt điểm. Rõ ràng đã có thế mạnh nhưng lực lượng sử
dụng chưa tốt, nhất là lại chủ quan xem thường địch, đơn giản trong công
tác chuẩn bị chiến đấu, rất có thể dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ hoặc
hoàn thành với giá phải trả.
Chỉ trong thời gian ngắn, Quân đoàn 4 đã sử dụng thích hợp, có kế
hoạch tiến công cụ thể, biết phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa
phương, tranh thủ lợi thế chung trên toàn chiến trường, nhất là sau khi thị
xã Buôn Ma Thuột được giải phóng, đã tiến công dồn dập, liên tục hoàn
thành nhiệm vụ tác chiến tạo thế, đánh chiếm Dầu Tiếng, Chơn Thành,
Định Quán trên hai hướng tây bắc và đông bắc Sài Gòn, mở ra các hành
lang cơ động lực lượng và vận chuyển vật chất, kỹ thuật quy mô lớn vào
chiến trường trọng điểm Đông Nam Bộ, tạo bàn đạp trên những hướng quan
trọng nhất, chuẩn bị trước địa bàn tập kết cho mình và cho các đơn vị bạn
với quyết tâm thực hiện “tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian
sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm(4).
(4) Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 3/3/1975.
***